295 doanh nghiệp tham gia chương trình
Tại Hội thảo lấy ý kiến đánh giá 2 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (theo Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15.7.2022), đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết, đến nay, cơ quan hải quan đã ký kết biên bản ghi nhớ với 295 doanh nghiệp tham gia chương trình.
Qua triển khai, mức độ tuân thủ của nhiều doanh nghiệp thành viên có cải thiện so với thời điểm trước khi tham gia chương trình, cũng như duy trì mức độ tuân thủ ở mức 2 (Tuân thủ cao), mức 3 (Tuân thủ trung bình). Trong đó có 101 doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 (mức 4: Tuân thủ thấp; mức 5: Không tuân thủ) lên mức 2, 3, 4, chiếm 36,2% do không phát sinh vi phạm trong quá trình tham gia hoặc vi phạm của doanh nghiệp đã quá thời gian đánh giá; 147 doanh nghiệp giữ mức độ tuân thủ, chiếm 50,86% (trong đó doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 là 120 doanh nghiệp chiếm 43,01%).
Như vậy, mức tuân thủ của doanh nghiệp thành viên tăng và giữ nguyên mức 2, 3 đạt 80% trên tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp tham gia Chương trình có số lượng tờ khai luồng Xanh tăng đáng kể, qua đó rút ngắn thời gian thông quan.
Với trên 50.000 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua các cảng TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong triển khai ký kết Biên bản ghi nhớ thực hiện chương trình với doanh nghiệp ngay từ tháng 9.2022. Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Đỗ Thanh Quang chia sẻ, sau 4 đợt triển khai đánh giá, đã có 17 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tăng mức độ tuân thủ sau khi tham gia chương trình.
Cụ thể, có 4/17 doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ (chiếm khoảng 23,5%) và 11 doanh nghiệp giữ nguyên mức độ tuân thủ ở mức cao (khoảng 64,7%). Dưới sự đồng hành và hỗ trợ của cơ quan hải quan, tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa cải thiện rõ rệt, giúp các doanh nghiệp thành viên tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan. Đối với phân luồng tờ khai nhập khẩu, tỷ lệ luồng Xanh tăng 6,16%, luồng Vàng giảm 5,61%, luồng Đỏ giảm 0,55%. Tình hình về tỷ lệ phân luồng Xanh trong xuất khẩu tăng 14,42%, luồng Vàng giảm 13,73%, luồng Đỏ giảm 0,69%.
Hướng tới gia tăng số lượng doanh nghiệp
Lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro cũng cho biết, chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp khi hưởng các lợi ích trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan, giúp doanh nghiệp quản lý, kiểm soát tình hình hoạt động xuất nhập khẩu và chủ động phòng tránh vi phạm. Đây chính là yếu tố tiên quyết để nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Các đơn vị hải quan đã bố trí số điện thoại đường dây nóng riêng để thực hiện giải đáp vướng mắc kịp thời về thủ tục hải quan trong 24 giờ, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu, đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp thành viên. Tờ khai hải quan của doanh nghiệp đều được phân cho các công chức có trình độ nghiệp vụ cao thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thông quan hàng nhanh chóng. Nếu có trường hợp phát sinh, các đơn vị cũng rất chủ động đề xuất phương án xử lý kịp thời cho doanh nghiệp hoặc báo cáo lên cấp trên đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
Thời gian qua, nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động gửi các doanh nghiệp tham gia và thông báo định kỳ về tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, tình hình vi phạm pháp luật hải quan, đưa các khuyến nghị tác động đến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ của doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai tuyên truyền thông qua nhiều hình thức nhằm khuyến khích, vận động doanh nghiệp tham gia.
Ngành hải quan đặt ra yêu cầu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2, mức 3; sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Để đạt được mục tiêu trên, theo các chuyên gia, cần phải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành nhằm cải cách, hiện đại hóa phương thức làm việc. Theo đó, nghiên cứu và phát triển phần mềm riêng về chương trình để tăng tương tác giữa hải quan và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp thành viên có thể tự tra cứu các thông tin đang được cơ quan hải quan cung cấp theo từng quý về tình hình hoạt động của doanh nghiệp như số lượng tờ khai, loại hình, kim ngạch, mức độ và nguyên nhân xếp mức độ tuân thủ hiện tại... Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp kịp thời kiểm soát, hạn chế rủi ro trong nội bộ doanh nghiệp mà còn chủ động điều chỉnh, khắc phục các sai sót, vi phạm.