Vấn đề tiền công đức, tài trợ, từ thiện vẫn là đề tài "nóng" trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2022 vừa qua. Nhiều vụ việc tranh cãi, giành giật, mất cắp tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, gây mất an ninh trật tự..., đã xảy ra tại nhiều địa phương, để lại nhiều bài học về quản lý, sử dụng khoản tiền này.
Hiện nay, mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền quyên góp, tài trợ đều phải tuân theo quy định tại Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Nghị định số 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể, Khoản 4, Điều 19 Nghị định số 162/2017 quy định hoạt động quyên góp phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có một điều không thể phủ nhận, việc sử dụng hòm hoặc két "công đức", hay các hình thức khác tương tự ở một số địa điểm có hoạt động tôn giáo hoặc mang màu sắc tín ngưỡng đang có dấu hiệu biến tướng, trở thành công cụ để một số đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt… Vậy, câu chuyện làm thế nào để việc tiếp nhận và quản lý tiền công đức bảo đảm được tính công khai, minh bạch để những người đóng góp biết được nguồn tiền đó phục vụ đúng mục đích hay không và biện pháp quản lý nguồn tiền.
Trước thực tế đó, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19.3.2023.
Liên quan tới quản lý tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, Thông tư số 04 quy định, quy định đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Đây là một trong những quy định mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Bên cạnh đó, các hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cũng được quy định rõ, khi nhận tiền mặt sẽ có người tiếp nhận ghi chép, hòm công đức phải được kiểm đếm công khai định kỳ, nhận tiền chuyển khoản phải mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại và khi nhận các loại giấy tờ có giá trị, kim khí quý đều phải ghi chép cẩn thận đầy đủ. Qua đó, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác tiếp nhận và quản lý tiền công đức.
Về việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Có thể thấy, tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dù nằm trong phạm vi địa bàn di tích được xếp hạng, được kiểm kê hay không thì Nhà nước cũng không quản lý tiền công đức, mà người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết, tự chịu trách nhiệm.
Với thông tư mới này, hy vọng việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ... tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cả của tập thể lẫn tư nhân quản lý sẽ khoa học hơn, có trách nhiệm cho người đứng đầu cụ thể, là cơ sở truy trách nhiệm nếu không may để xảy ra sự cố về sau.