BẠN ĐỌC VIẾT

Không chỉ là điểm mặt, nêu tên

- Thứ Sáu, 05/08/2022, 06:47 - Chia sẻ

Báo cáo chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND” trong 3 năm (2019 - 2021) cho thấy, cả nước có 21.038 Quyết định hành chính; Hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp bị khởi kiện. Trong đó, có 1.921 Quyết định hành chính, Hành vi hành chính bị Tòa án tuyên hủy/tuyên trái pháp luật (chiếm tỷ lệ 9%).

Đáng lưu ý, các Quyết định hành chính, Hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp bị khởi kiện tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa... thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Số còn lại tập trung ở lĩnh vực thuế, xử phạt vi phạm hành chính, xây dựng.

Điều quan tâm là, số Quyết định hành chính, Hành vi hành chính bị tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ vì trái pháp luật tăng so với giai đoạn trước. Điều này, phản ánh một thực tế đáng quan tâm đó là năng lực của đội ngũ làm công tác tham mưu pháp luật, pháp chế còn ít nhiều hạn chế.

Liên quan đến việc chấp hành pháp luật của Chủ tịch UBND, UBND trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, Báo cáo cho thấy, trong 3 năm, cả nước có 6.805/17.175 vụ việc Chủ tịch UBND, người được Chủ tịch UBND ủy quyền tham gia các phiên đối thoại, phiên tòa. Số lượng các cuộc đối thoại, phiên tòa mà Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND được Chủ tịch UBND ủy quyền tham gia trực tiếp để giải quyết vụ án hành chính có chiều hướng gia tăng qua các năm. Tuy vậy, chỉ hơn 1/3 vụ việc được người có thẩm quyền tham gia đối thoại.

Cũng trong thời gian này, các cơ quan nhà nước đã thi hành xong 1.116/1.605 bản án hành chính phải thi hành, tăng 422 bản án so với giai đoạn 2015 - 2018. Số lượng bản án hành chính chưa thi hành xong vẫn còn lớn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Một trong những nguyên nhân hàng đầu được nhiều lần nhắc tới (chưa đưa ra được giải pháp) đó là do người đứng đầu UBND các cấp ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính thuộc thẩm quyền. Trong khi đó, pháp luật về thủ tục hành chính và thi hành án hành chính mặc dù đã được hoàn thiện cơ bản, nhưng vẫn còn không ít vướng mắc như quy định về ủy quyền, thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án…

Những con số nêu trên dường như ngược lại với một thực tế là có tới 63/63 địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; 52 địa phương Ban cán sự đảng UBND cấp tỉnh đã ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng TAND cấp tỉnh; 5 Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Điều này cho thấy, vấn đề không chỉ ở khâu tổ chức hội nghị triển khai hay ký kết quy chế mà nằm ở khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra tổ chức thực hiện. Nhưng tổ chức kiểm tra thực hiện như thế nào khi chính người đứng đầu chưa “quyết liệt” và như thế nào là “quyết liệt”. Nếu người đứng đầu - Chủ tịch UBND tỉnh là người bị kiện - thì sự quyết liệt được hiểu theo nghĩa nào?

Trong khi chờ sự chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu, có lẽ giải pháp nêu tên, chỉ rõ địa phương, người đứng đầu hoặc người được ủy quyền thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật trong công tác ban hành Quyết định hành chính, thực hiện Hành vi hành chính nên được thực hiện thường xuyên. Cùng với việc nêu tên thì cần gắn công tác này với đánh giá xếp các thứ hạng hằng năm. Tránh tình trạng Chủ tịch UBND, người ủy quyền không tổ chức đối thoại; để tỉ lệ giải quyết các vụ án hành chính thấp nhưng các chỉ số như năng lực cạnh tranh, hành chính công lại thuộc nhóm đứng đầu.

Nguyễn Minh