BẠN ĐỌC VIẾT

Khơi thông dòng vốn đầu tư xanh

- Chủ Nhật, 07/08/2022, 06:08 - Chia sẻ

Một trong những mục tiêu được đặt ra tại Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu là hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển carbon thấp, giảm phát thải; đồng thời rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, tạo đột phá thu hút các dòng vốn đầu tư, phát triển carbon thấp của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính đầu tư vào Việt Nam thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật.

Để đạt được mục tiêu lớn này, Đề án đã đưa ra 8 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật… Đặc biệt, đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, tài chính xanh của các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam hợp tác và triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, sản xuất nhiên liệu xanh, sạch.

Nhìn vào giải pháp này cho thấy việc cải cách thủ tục hành chính, thu hút các dòng vốn đầu tư xanh được chú trọng. Liên quan đến vấn đề này, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong đó, Chính phủ đã có phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên khoáng sản, địa chất; tài nguyên nước; khí tượng thủy văn; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo…

Phương án đã bám sát chủ trương phân quyền mạnh cho các địa phương, sở ngành chuyên môn; đồng thời bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công và giảm số lượng hồ sơ trực tiếp. Chẳng hạn, với thủ tục hành chính cấp Trung ương, Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hình thức cơ quan tiếp nhận: Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời bổ sung hình thức tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; số lượng hồ sơ giảm 2 bộ xuống còn 1 bộ.

Hay, với thủ tục hành chính cấp tỉnh, các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung hình thức cơ quan tiếp nhận: Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh. Trường hợp địa phương đã tổ chức Bộ phận Một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công thì thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua Bộ phận Một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công theo quyết định của UBND cấp tỉnh.

Để triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền 19 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 12 nghị định và 7 thông tư. 

Nguyễn Minh