Hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn

- Thứ Bảy, 26/11/2022, 08:39 - Chia sẻ

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã xác định khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Song do các quy định về lĩnh vực này đang nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau và chưa được lồng ghép vào các luật có liên quan nên nhiều ý kiến cho rằng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn.

Rải rác, thiếu tính hệ thống

Trước năm 2020, thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” chưa được chính thức sử dụng nhưng một số khía cạnh liên quan đã được đề cập trong nhiều chính sách, văn bản ban hành từ rất sớm như Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25.6.1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các giai đoạn 1991-2000, 2001-2010, 2011-2020; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ  lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020...

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn -0
Khởi động Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Nguồn: ITN

Với sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội được xác định là một trong những chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Luật cũng có một điều riêng để định nghĩa về kinh tế tuần hoàn và quy định vai trò của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Để hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó có 3 điều quy định về tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.

Như vậy, đến nay Luật Bảo vệ môi trường là văn bản pháp luật duy nhất nêu định nghĩa cụ thể về kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, theo TS. Lê Hải Đường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nếu xét rộng hơn thì nước ta đã có một hệ thống pháp luật phục vụ phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, làm cơ sở để xây dựng quy định về kinh tế tuần hoàn hiện nay. Cụ thể là Luật Bảo vệ môi trường các năm 2005, năm 2014, năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Các vấn đề liên quan tới tăng trưởng xanh, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái thì được quy định cụ thể trong Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều này cho thấy, pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn phân tán, rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu tính hệ thống. Chưa có sự đồng bộ giữa pháp luật về môi trường với pháp luật đất đai, lao động, đầu tư, doanh nghiệp, thuế, công nghệ trong thúc đẩy thực hiện các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn. Các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn cũng chưa được cụ thể hóa một cách chi tiết và đầy đủ, không được dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đó để tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển mô hình kinh tế này.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn -0
Tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học là những mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn. Nguồn ITN

Lồng ghép vào các luật có liên quan

Để khắc phục hạn chế, bất cập nói trên, một số ý kiến đề xuất từ nay đến năm 2030 cần nghiên cứu xây dựng nghị định của Chính phủ về kinh tế tuần hoàn để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét ban hành Luật Kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn 2030-2045. Đây là giải pháp phù hợp để vừa bảo đảm giá trị pháp lý, vừa pháp điển hóa những quy định về kinh tế tuần hoàn. Hình thức dưới dạng Nghị định hay Luật sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp, gắn với thực tiễn và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam theo Quyết định số 687/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7.6.2022.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo. Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Viện Tài nguyên Thế giới, Quỹ Ellen MacArthur, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và hơn 40 đối tác đã khởi xướng Diễn đàn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với nhiều sáng kiến để đẩy mạnh mô hình kinh tế này.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật có liên quan cũng cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bằng cách lồng ghép tư duy kinh tế tuần hoàn như pháp luật về đầu tư công để thúc đẩy mua sắm công xanh; pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường... Đồng thời, rà soát Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Thủy sản, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt... để có những chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn -0
Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý. Nguồn ITN

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, về mặt hình thức pháp luật, sẽ phù hợp hơn nếu thiết kế theo hướng các luật chuyên ngành có liên quan khi xây dựng cần phải tiếp cận quản lý theo phương thức của kinh tế tuần hoàn. “Chẳng hạn, chúng ta nói nhiều đến phát triển bền vững nhưng không nhất thiết phải xây dựng luật về phát triển bền vững, mà các luật chuyên ngành sẽ thấm nhuần, thể chế hóa nguyên tắc này để đảm bảo phát triển bền vững”. Theo đó, cần quán triệt nguyên tắc các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền ban hành thời gian tới sẽ thể chế hóa về mô hình kinh tế tuần hoàn.

Anh Dũng
#