Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, các cơ quan chức năng đã đấu giá thành 2.761 việc thi hành án dân sự, tương ứng với hơn 9.010 tỷ đồng. Quá trình tổ chức đấu giá cho thấy, có những vụ việc phải đưa tài sản ra bán đến lần thứ 17, kéo dài gần 3 năm vẫn chưa có người mua. Nhiều trường hợp tài sản kê biên phải định giá lại hoặc giảm giá nhiều lần vẫn không bán được. Để bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, không ít trường hợp, các bên liên quan phải định giá tài sản thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, nhưng khi hết thời hạn vẫn không có người đăng ký tham gia. Đã vậy, đến lúc bán đấu giá thành thì người phải thi hành án không hợp tác để bàn giao tài sản.
Thực tế, việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là quá trình phức tạp. Bởi, không ít trường hợp có thể gặp vướng mắc ngay từ quá trình định giá tài sản do bên được thi hành án và bên phải thi hành không thỏa thuận được về giá trị tài sản, tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá… Do các bên không thống nhất được, nên chấp hành viên phải quyết định lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá theo quy định. Nhưng khi chấp hành viên tổ chức thẩm định đấu giá, tổ chức đấu giá thì cũng chưa hẳn đã nhận được sự hợp tác, phối hợp của các bên.
Phản ánh của nhiều cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương còn cho thấy, sau 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh rất nhiều vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản và cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác định thời hiệu, thời điểm sử dụng chứng thư thẩm định giá tài sản tạm dừng việc bán đấu giá; bàn giao tài sản bán đấu giá thành; thanh toán chi phí, chi phí bán đấu giá…
Để tháo gỡ vướng mắc trên, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự cần có quy định riêng đối với việc bán đấu giá tài sản thi hành án có tính chất đặc thù; đồng thời rút ngắn trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức đấu giá tài sản, cơ quan thi hành án dân sự.