Tội phạm lừa đảo qua mạng phức tạp
Ngày 17.7, trong buổi chất vấn tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa X, các đại biểu đã chất vấn công an tỉnh về công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng thời gian qua. Đặc biệt là vụ án nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa đảo lấy đi hơn 171 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Trả lời chất vấn, Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng diễn biến hết sức phức tạp; Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng tổ chức tín dụng đặt trụ sở hoạt động đứng đầu cả nước với 61 chi nhánh thuộc 42 hệ thống ngân hàng, 232 phòng giao dịch trực thuộc, 34 Quỹ tín dụng Nhân dân. Do đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan lĩnh vực ngân hàng luôn được lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh việc các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, các đối tượng mạo danh người của cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng sau đó kiểm soát quyền sử dụng, khai thác tài khoản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì còn xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng, Quỹ tín dụng Nhân dân lợi dụng lòng tin của người dân hoặc sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo cấp trên hợp thức hóa hồ sơ tín dụng của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản.
Qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Nai nhận thấy nổi lên một số vấn đề như công tác quản lý, kiểm soát ngân quỹ, tín dụng, quản lý cán bộ của nhiều tổ chức tín dụng còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót, lỏng lẻo để cán bộ vi phạm pháp luật, có trường hợp tạo điều kiện, tiếp tay cho tội phạm trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoạt động;
Tình hình tội phạm lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua ngân hàng để lừa đảo diễn biến phức tạp, một trong những phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này là thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) gọi điện trực tiếp cho người bị hại để đe dọa, giả danh cán bộ nhà nước sau đó kêu gọi chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng không chính chủ gây ra thiệt hại ngày càng nhiều, điển hình như vụ lừa đảo hơn 171 tỷ đồng tại huyện Nhơn Trạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận, xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong đó tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 76 vụ (chiếm tỷ lệ 60,8% tổng số vụ lừa đảo), số tiền bị chiếm đoạt trên 325,4 tỷ đồng; đã điều tra, làm rõ 4 vụ, 14 đối tượng (đạt tỷ lệ 5,06%). Đáng chú ý là vụ nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo hơn 171 tỷ đồng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can để tiếp tục điều tra làm rõ.
Triển khai nhiều giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm tốt tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; thường xuyên tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với lực lượng công an các cấp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng.
Lý giải về vấn đề tỷ lệ điều tra, làm rõ các vụ án liên quan đến tội phạm sử dụng mạng máy tính, internet thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn thấp, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng, có nhiều nguyên nhân như các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được thực hiện bởi các tổ chức tội phạm đặt trụ sở ở nước ngoài, có móc nối giữa nhiều nhóm tội phạm, đối tượng trong và ngoài nước, đối tượng cầm đầu là người nước ngoài, thuê các đối tượng thực hành là người Việt Nam, điều hành qua trung gian nên khó xác định vai trò, vị trí của các đối tượng.
Các đối tượng có sự cấu kết chặt chẽ, phân công, phân cấp với vai trò, vị trí khác nhau, mỗi hình thức lừa đảo được thực hiện theo một kịch bản được soạn sẵn để áp dụng với từng bị hại khác nhau và thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm tránh sự phát hiện, truy bắt của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo triệt để lợi dụng các đối tượng kinh doanh mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch quốc tế làm kênh trung gian rửa tiền trong khi hiện nay chưa có hành lang pháp lý để xử lý đối với vấn đề liên quan đến tiền ảo.
Phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng như giả danh cán bộ cơ quan chức năng, kết bạn tặng quà, đầu tư tài chính, việc làm online, vay tiền qua app... vẫn được các đối tượng sử dụng, tuy nhiên đã được các đối tượng thay đổi cách tiếp cận.
Nổi lên trong thời gian gần đây, lợi dụng việc một số cơ quan nhà nước đã triển khai các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, từ đó các đối tượng đã tạo các ứng dụng mạo danh cơ quan nhà nước, gần đây nhất là giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện thoại hỗ trợ nạn nhân xác thực cài đặt sinh trắc học, yêu cầu cung cấp thông tin, mật khẩu mã OTP... sau đó đối tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào điện thoại rồi chiếm quyền điều khiển thiết bị, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết thêm, Công an tỉnh Đồng Nai sẽ công khai số điện thoại đường dây nóng, trực 24/7 để người dân có thể gọi ngay tới đường dây nóng để trình báo khi bị đe doạ hay có dấu hiệu bị lừa đảo.
Trong thời gian tới Công an tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó tập trung một số nội dung công tác trọng tâm như áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tập trung xác minh, điều tra làm rõ, truy tìm, bắt giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và thu hồi tối đa tài sản cho người dân.
Tiếp tục rà soát, xác định các băng, nhóm tội phạm trên địa bàn, lên danh sách đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động tội phạm lừa đảo chuyên nghiệp hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành nghề...
Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, có trọng tâm, trọng điểm, cập nhật thường xuyên phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm trên không gian mạng, chế tài xử lý đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả răn đe, giáo dục.
Công an tỉnh sẽ phối hợp, thiết lập trung tâm xử lý nhanh giữa công an - ngân hàng - viễn thông để nhanh chóng xác định số điện thoại, dòng tiền và áp dụng các biện pháp ngăn chăn kịp thời, có hiệu quả việc tẩu tán tài sản và triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt...
Công an tỉnh Đồng Nai sẽ kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành Trung ương thường xuyên ban hành các quy định về nâng cao tính bảo mật trong các hoạt động giao dịch trực tuyến trên mạng, bịt kín các kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.