Có tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể?
Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là sự xác nhận cao nhất về năng lực và trình độ chuyên môn của mỗi cá nhân. Do đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ (Dự thảo) đã bổ sung các quy định về điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn không ít băn khoăn.
Có sự phân biệt
Khoản 2a, Điều 77, Dự thảo quy định “Công dân Việt Nam là luật sư được phép hành nghề theo quy định của Luật Luật sư thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh nếu đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận”. Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 77, Dự thảo lại quy định: “2. Cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, trừ trường hợp được quy định tại khoản 2a Điều này: Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; thường trú tại Việt Nam...
Ngoài các điều kiện nêu trên, cá nhân không phải là luật sư phải có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh; có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí... Bên cạnh đó, người này đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp liên tục từ 5 năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp liên tục từ 5 năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận; Không phải là công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
Như vậy có sự phân biệt giữa cá nhân (không phải là luật sư) và luật sư khi đại diện sở hữu công nghiệp. Thực tế cho thấy, đại diện sở hữu công nghiệp là nghề đặc thù được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Phải đáp ứng các điều kiện về bằng cấp, kinh nghiệm, đào tạo chuyên sâu 6 tháng, đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra chuyên môn. Theo đề xuất tại Dự thảo, những người được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư đương nhiên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi trải qua khóa đào tạo về pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận mà không phải qua thi cử. Trong khi đó, hành nghề luật sư có những điểm khác biệt nhất định so với hành nghề sở hữu công nghiệp do đặc thù của quyền sở hữu trí tuệ. Điều đáng nói hơn, việc không phải trải qua thi cử có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo hay không?
Miễn trừ có hợp lý?
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo định kỳ 2 năm/lần với tổng số 5 môn gồm pháp luật sở hữu công nghiệp, thông tin sở hữu công nghiệp, sáng chế và thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, không môn nào dưới 5 điểm mới có thể được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất ít người vượt qua được kỳ thi sát hạch này. Đó là lý do mà hiện cả nước mới có gần 340 cá nhân đủ điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Giám đốc Công ty Luật Đại Huệ, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An, Luật sư Nguyễn Văn Ngọc cho rằng, việc miễn trừ kỳ thi về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp với luật sư sẽ tạo nên một chính sách không hợp lý, thiếu tính công bằng giữa những người vất vả nhiều năm mới được phép hành nghề với những người vừa mới có thẻ hành nghề luật sư mà chỉ cần trải qua một khóa đào tạo đã được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp. Trong khi đó, kỳ thi là cơ sở để đánh giá năng lực của từng cá nhân có đủ trình độ chuyên môn để hành nghề hay không.
"Nếu không trải qua thi cử dễ dẫn đến tình trạng học cho có, không bảo đảm chất lượng đào tạo và việc cấp chứng chỉ hành nghề như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy về sau. Mặt khác, luật sư vẫn có đầy đủ quyền tham gia vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng, trong đó được quyền tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ, đại diện tranh tụng dân sự và hình sự liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ", Luật sư Ngọc phân tích.
Để bảo đảm tính bình đẳng giữa các chủ thể, tránh xảy ra các vướng mắc sau này, luật sư Ngọc đề xuất 2 phương án. Phương án 1, luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp đối với những lĩnh vực không đòi hỏi thủ tục xác lập quyền cụ thể là tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh và bí mật kinh doanh. Phương án 2, luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý nếu được đào tạo chuyên sâu riêng 6 tháng và đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra môn pháp luật về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.