Cẩn trọng với giao dịch đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết

- Thứ Hai, 05/02/2024, 08:53 - Chia sẻ

Dịp cận Tết Nguyên đán do nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân tăng cao, vì thế, đây là cơ hội các đối tượng lừa đảo sử dụng các thủ đoạn tinh vi để dẫn dụ nạn nhân đổi tiền trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người dân cần cảnh giác để tránh sập bẫy các đối tượng này.

Những lời chào mời hấp dẫn…

Thời điểm này, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới để lì xì hoặc đi lễ dịp Tết diễn ra công khai trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lẻ” hay “đổi tiền mới 2024”…. là có vô số bài viết quảng cáo của các tài khoản mạng xã hội trên các hội nhóm với những lời mời chào hấp dẫn như “uy tín”, “bao kiểm tra”, “phí rẻ nhất”… Các chủ tài khoản còn cam kết bảo đảm giao hàng tận nơi, tiền mới 100% nguyên cọc, nguyên seri. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài việc đổi tiền bị mất phí cao, nhiều trường hợp còn bị các đối tượng xấu lừa đảo khi trà trộn tiền giả, tiền rách, tiền bị mất số seri... khi trao cho khách hàng. 

Chị Nguyễn Thị Hiền (Hải Dương) chia sẻ: “năm ngoái, do công việc kinh doanh bận rộn, tôi có lựa chọn giao dịch đổi tiền qua mạng. Tôi có liên hệ với một nickname qua Facebook để đổi 10 triệu đồng tiền mới, mệnh giá tờ 200.000 đồng, với mức phí gần 1 triệu đồng. Khi nhận về đếm lại, tôi phát hiện bị thiếu 400.000 đồng và bên trong lõi có rất nhiều tờ tiền cũ. Tôi lập tức gọi điện cho người đổi tiền để phản ánh, nhưng bị người này thẳng thừng từ chối: “khi nhận tiền thì phải kiểm ngay lại, nếu đã mang về nhà thì tự chịu trách nhiệm”. Tôi vô cùng thất vọng khi đã cố gắng tìm kiếm một địa chỉ uy tín nhưng cuối cùng lại bị lừa".

Người dân cần cẩn trọng khi đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng. Nguồn: ITN
Người dân cần cẩn trọng khi đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng. Nguồn: ITN

Tương tự, chị Ngô Thị Lan Anh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng lên mạng tìm đổi tiền mới; chị Lan Anh chia sẻ: “do muốn có tiền mới để lì xì dịp Tết cho con cháu và đi lễ hội đầu năm, hỏi nhờ nhiều người quen làm trong các ngân hàng không được nên đã lên mạng tìm kiếm dịch vụ đổi tiền. Sau khi chat trên nhóm và được một tài khoản giới thiệu đổi tiền với chi phí rẻ, tôi đã đổi 10 triệu đồng tờ mệnh giá 50.000 đồng và mất phí 700.000 đồng cho giao dịch này. Sau đó, họ yêu cầu tôi phải chuyển 1.000.000 đồng để đặt cọc, không nghĩ ngợi nhiều, tôi đã chuyển cho họ. Thế nhưng sau khi chuyển tiền thì họ ngay lập tức chặn liên hệ với tôi và không liên lạc được nữa”. 

Ngoài những rủi ro trên, người có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới còn có thể bị đổi phải tiền giả vào dịp cuối năm; chị Lê Thị Yến (Thanh Hóa) cho biết, cũng vì tin vào quảng cáo hấp dẫn trên mạng như tiền thật 100%, nguyên niêm phong của ngân hàng, nguyên cọc, giao hàng nhanh, đủ mệnh giá, an toàn… nên dịp Tết năm ngoái chị không chỉ bị mất phí đổi tiền mà còn nhận về tiền giả. “Người dân không nên tin vào những quảng cáo trên mạng về các dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới để tránh gặp rủi ro như tôi” - chị Yến nói.

Người dân cần cẩn trọng

Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “cách thức đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cận Tết Nguyên đán khiến người đổi tiền có nguy cơ bị lừa rất cao. Bởi phần lớn các tài khoản quảng cáo đổi tiền qua mạng không có thông tin, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, người đổi tiền lại phải chuyển trước một khoản tiền đặt cọc. Điều này khiến người đổi tiền rơi vào thế bị động, dễ bị lừa đảo. Về phía người dân, phần lớn số tiền bị lừa mất không lớn, chưa kể vì đã trót tiếp tay cho hành vi vi phạm nên nhiều người phải chấp nhận thiệt hại, không phản ánh với các cơ quan chức năng". 

"Theo Nghị định 88/2019/NÐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền. Tại điểm a, Khoản 5, Ðiều 30 quy định: “phạt tiền từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng đối hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật”. Ðây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trong khi mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b, Khoản 3, Ðiều 3, Nghị định 88/2019/NÐ-CP", Luật sư Kiều cho biết.

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 40/2012/NĐ-CP về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định về thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành đã quy định rõ: Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước tổ chức việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, với mỗi người dân để tránh gặp phải rủi ro, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng xấu, cần thay đổi nhận thức của người dân và thói quen sử dụng tiền lẻ, tiền mới của người dân khi lì xì mừng tuổi dịp Tết và đi lễ hội, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Từ sau đại dịch Covid-19, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển bùng nổ tại Việt Nam, người dân từ thành thị tới nông thôn, từ doanh nghiệp lớn tới người buôn bán nhỏ đều đã nhanh chóng tiếp cận với thanh toán ngân hàng, sử dụng mã QR rất thuận tiện, nhiều người dân đã hình thành thói quen mới là không có mặt trong người, không sử dụng tiền mặt. Ngoài ra, nhiều ngân hàng triển khai các tiện ích lì xì qua ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử với nhiều hình thức hấp dẫn. Đây có thể coi là tiền đề tốt để người dân có thể giảm bớt nhu cầu đổi tiền mới dunfg cho việc lì xì.

Chia sẻ về truyền thống mừng tuổi đầu năm, ông Nguyễn Quốc Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: đối với nhu cầu lì xì bằng tiền mặt, không nhất thiết đó phải là tiền mới nguyên seri, chúng ta có thể chuẩn bị các loại tiền đã qua sử dụng, đồng tiền phẳng phiu... cũng không hề ảnh hưởng gì tới ý nghĩa của việc lì xì. Còn với nhu cầu sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo lễ hội, cần có sự chung tay quyết liệt của các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ sở tôn giáo và các đơn vị tổ chức lễ hội hướng dẫn người dân cung tiến, công đức giọt dầu bằng tiền một cách văn minh và gọn gàng hơn. Việc này vừa giúp cho không gian cơ sở thờ tự, nơi tổ chức lễ hội trở nên trang nghiêm hơn, vừa bảo đảm số tiền người dân bỏ ra công đức giọt dầu được ban quản lý cơ sở tôn giáo thờ tự, ban tổ chức lễ hội thu nhận, quản lý được, tránh rơi vào tay các đối tượng xấu.

Từ những phân tích trên, mỗi người dân khi thay đổi quan niệm và thói quen sử dụng tiền lẻ, tiền mới thì sẽ không còn nhu cầu đổi tiền mỗi dịp Tết đến Xuân về, cũng góp phần bảo đảm an ninh an toàn về quản lý và sử dụng tiền tệ nói chung và đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.  

Nguyễn Linh
#