Cần những giải pháp đồng bộ
Tháng 5 là Tháng công nhân, do vậy việc chăm lo cho lợi ích của công nhân cũng chính là phát huy cao nhất vai trò của lực lượng lao động đang chiếm hơn 12% dân số này.
Khẩn trương hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân
Trải qua hơn 2 năm dịch bệnh, với nhiều chủ trương của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, cuộc sống của người lao động đã bước đầu vượt được qua khó khăn do đại dịch Covid gây ra. Tuy nhiên, nhìn chung cuộc sống của người lao động vẫn còn rất khốn khó.
Mệt nhọc sau giờ tăng ca tối, về khu trọ, anh Nguyễn Văn Hải công nhân Công ty TNHH Điện tử AsTi (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) vẫn tìm đọc thông tin hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tự tính số tiền nhận được là 3 triệu, gần bằng nửa tháng lương đi làm hết công suất, anh Hải sốt sắng hoàn thiện giấy tờ. “Ảnh hưởng của dịch Covid, phải nghỉ cách ly nên thu nhập của tôi giảm đáng kể nhất là tháng trước tôi bị nhiễm Covid, tiền lương chỉ còn vỏn vẹn 3 triệu đồng. Cuộc sống vô cùng khó khăn, vì vậy khi hay tin sắp triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ từ Chính phủ tôi vô cùng vui và mong ngóng. Với số tiền này cũng đủ tôi trang trải những thứ thiết yếu tối thiểu cho gia đình trong vòng 2 tuần” – anh Hải hồ hởi chia sẻ.
Cùng có chung niềm vui, háo hức mong ngóng giống anh Hải, chị Cao Thị Thủy (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cùng làm chung công ty với anh Hải cho biết, từ ra tết dịch lên cao trào, hai vợ chồng không có nổi tới 2 triệu tiền dư cho mỗi tháng sau khi trừ hết các khoản chi tiêu cần thiết. Số tiền trợ cấp từ công ty không đủ hai vợ chồng trang trải khi bị phong tỏa, con cái ở quê đành phó mặc nhờ ông bà. Thời gian gần đây khi dịch dần ổn, công ty có nhiều đơn hàng hai vợ chồng tăng cường làm thêm nhưng cũng không đủ bù đắp cho những tháng nghỉ việc, giảm thu nhập vì Covid. Vì thế, khi biết có chính sách hỗ trợ chúng tôi ai nấy đều vui và mong sớm được nhận hỗ trợ.
Hiện nay, để triển khai Quyết định số 08/2022//QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang… đã nhanh chóng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn. Nhiều tỉnh dự kiến sẽ triển khai chính sách ngay trong tháng 5. Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ qua nhiều hình thức, trong đó có hình thức trực tuyến.
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3.2022 nêu rõ, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn khi họ không làm thêm giờ.
Tăng cường đối thoại tập thể
Cùng với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, theo các chuyên gia để đảm bảo cuộc sống cho người lao động được tốt hơn cần sự đồng hành từ phía doanh nghiệp. Trong đó, sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư chăm lo sức khỏe, chính sách phúc lợi cho người lao động có ý nghĩa rất lớn. Nhận thức được điều này, thời gian qua, các cấp công đoàn cơ sở đã đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động để tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể từng bước cải thiện phúc lợi, xây dựng môi trường làm việc an toàn, ổn định.
Chia sẻ về tầm quan trọng của đối thoại và thương lượng tập thể, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử AsTi Nguyễn Đức Nhân cho rằng, là đại diện cho người lao động, công đoàn phải có những lý lẽ thuyết phục để người sử dụng lao động đồng ý tăng thêm quyền lợi cho công nhân. Thông qua đối thoại, hiện nay ngoài chế độ lương thưởng theo quy định, mỗi tháng người lao động gắn bó với công ty từ 5 năm trở lên sẽ được trả thêm 100.000 đ/người; 10 năm được thêm 500.000đ. Ngoài ra, công ty sẽ hỗ trợ thêm tiền trợ cấp sinh hoạt, trợ cấp đi lại…. Để đạt được thỏa ước lao động tập thể có chất lượng, nhiều quyền lợi cao hơn so với luật cho người lao động thì không thể thiếu vai trò công đoàn cơ sở
Tương tự, nhờ thương lượng mà người lao động tại Công ty Goertek Vina (KCN Quế Võ, Bắc Ninh) cao hơn quy định. Cụ thể, “Lương tối thiểu của người lao động tại công ty nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo quy định là 3.920.000 nghìn nhưng lương của công nhân tại công ty đã trả là 4.900.000 rồi. Tổng phụ cấp là 1.500.000 nghìn. Và một năm tăng lương 4 lần theo quý, tăng theo thâm niên. Mỗi lần tăng 100.000 nghìn”- Phó Tổng Giám đốc Công ty Goertek Vina, ông Len Zhang cho biết.
Báo cáo rà soát các thỏa ước lao động tập thể và thực hành tại 80 quốc gia có mức độ phát triển kinh tế khác nhau cũng như khuôn khổ pháp luật và quy định của 125 quốc gia vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố mới đây cho thấy, thương lượng tập thể đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với việc làm và thu nhập, giúp giảm bớt một số tác động đối với tình trạng bất bình đẳng đồng thời củng cố khả năng chống chịu của các doanh nghiệp và thị trường lao động bằng cách hỗ trợ duy trì tính liên tục của hoạt động kinh tế.
Việc điều chỉnh các biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tăng cường công tác đảm bảo an toàn sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc cùng với chế độ nghỉ ốm được hưởng lương và các chế độ chăm sóc sức khỏe được quy định trong nhiều thỏa ước lao động tập thể đã góp phần bảo vệ hàng triệu người lao động.