Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Điều kiện nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất
Theo quy định tại Điều 49, Luật Việc làm 2013, người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp người lao động làm việc theo:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
Hoặc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm để được giải quyết chế độ theo quy định.
Cách tính số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 50, Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cách tính số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp cụ thể như sau:
- Người lao động cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là bao nhiêu?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 50, Luật Việc làm 2013 và Khoản 1, Điều 8, Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được xác định như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = [Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp] x 60%
- Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 6 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 6 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Lưu ý, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó theo quy định tại Khoản 4, Điều 21, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 8, Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Theo đó, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp đến ngày đó của tháng sau trừ 1 ngày.
Ví dụ: Ông C được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông C tính từ ngày 11.3.2022 đến ngày 10.6.2022. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông C được xác định như sau:
- Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 11.3.2022 đến hết ngày 10.4.2022;
- Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 11.4.2022 đến hết ngày 10.5.2022;
- Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 11.5.2022 đến hết ngày 10.6.2022.