Trong năm 2023, tại TP Phan Thiết đã xảy ra liên tiếp 5 vụ vỡ hụi. Các chủ hụi đã thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… để kêu gọi, lập các dây hụi gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc xác định hành vi phạm tội của chủ hụi.
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, thủ đoạn của các chủ hụi là tìm những người có nhu cầu chơi hụi, đủ người sẽ lập dây hụi và thu tiền khi đến kỳ rồi giao số tiền đó cho thành viên dây hụi hốt theo từng kỳ; chủ hụi sẽ được số tiền hoa hồng theo thỏa thuận ban đầu khi lập dây hụi.
Bước đầu, chủ hụi sẽ tạo lòng tin cho các thành viên dây hụi bằng cách làm đúng nhiệm vụ như lập dây hụi đúng, đủ người, đến kỳ thì thu tiền của các thành viên dây hụi để giao đúng, đủ cho thành viên dây hụi hốt kỳ đó; nhiều lần sẽ tạo cho các thành viên dây hụi tin tưởng, rủ rê nhiều người thân, bạn bè cùng tham gia, khi đó chủ hụi sẽ lập những dây hụi với số tiền lớn hơn.
Tuy nhiên, khi mở dây hụi thì chủ hụi chỉ ghi danh sách tên hoặc tên thường gọi của thành viên dây hụi chứ không ghi rõ họ, tên, không ghi địa chỉ; khi bỏ hụi thì thành viên dây hụi chủ yếu nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp cho chủ hụi để bỏ hụi chứ không tập trung bỏ phiếu kín; khi giao nhận tiền giữa chủ hụi và các thành viên dây hụi cũng chỉ giao tiền mặt, không ký nhận gì theo đúng quy định pháp luật.
Chủ hụi lợi dụng vào những sơ hở này để lập khống những con hụi. Ví dụ: dây hụi 10 người thì chủ hụi lập khống 3 người, chỉ có 7 người chơi hụi thực tế; rồi đứng ra mạo danh 3 người đó để hốt, chiếm đoạt tiền. Mạo danh các thành viên dây hụi để hốt, tức là gặp con hụi A thì nói con hụi B hốt, nhưng gặp con hụi B thì lại nói con hụi A hốt.
Cứ như vậy, sau khi chủ hụi thu tiền, các thành viên dây hụi cứ nghĩ mình sẽ là người hốt cuối cùng để rồi gần đến những kỳ cuối thì chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn.
Với cách thức hoạt động như trên đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chứng minh hành vi phạm tội của các chủ hụi của cơ quan công an.
Mới đây, Công an TP Phan Thiết đã bắt tạm giam Ngô Thị Loan Chi (SN 1991, ngụ phường Phú Thủy) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngô Thị Loan Chi là chủ tiệm bao bì, gia vị nằm trong khu vực chợ Phú Thủy nên quen biết nhiều tiểu thương. Chi đã lập ra nhiều dây hụi lớn tại địa phương lôi kép nhiều người tham gia. Đến cuối tháng 10, Chi tuyên bố vỡ hụi, bỏ đi khỏi địa phương.
Sau đó, Công an phường Phú Thủy đã tiếp nhận đơn tố cáo Ngô Thị Loan Chi lừa đảo 46 người với tổng số tiền hơn 17,5 tỷ đồng.
Để tránh sự việc, mất mát đáng tiếc của người dân khi tham gia các dây hụi cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn; nếu chọn hình thức góp vốn dựa vào uy tín thì phải hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn người tham gia, đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật liên quan, vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như những vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia.
Tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường đã quy định như sau: Chủ hụi và thành viên dây hụi phải thông báo về nơi cư trú mới cho các thành viên còn lại nếu có thay đổi nơi cư trú; Phải thông báo số lượng thành viên của từng dây hụi, phần hụi, kỳ mở hụi; thỏa thuận về dây hụi phải được lập thành văn bản và có đầy đủ các nội dung như: Số lượng thành viên, tên, số chứng minh nhân dân …
Sổ hụi phải có các nội dung như: Thỏa thuận về dây hụi; Ngày góp phần hụi, số tiền đã góp hụi của từng thành viên; Ngày lĩnh hụi, số tiền đã lĩnh hụi …
Thành viên dây hụi được quyền xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi khi có yêu cầu.
Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; Tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.