Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa bị đưa ra xét xử là do nạn nhân và người thân không dám tố giác hoặc tố giác muộn; chấp nhận dàn xếp, xử lý nội bộ. Nạn nhân còn nhỏ tuổi, bị dư chấn bởi hành vi xâm hại nên lời khai thường thiếu chính xác, hoặc khai theo ý của người giám hộ nên rất khó thu thập tài liệu chính xác…
Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ trẻ em dùng Internet cao sẽ kéo nguy cơ trẻ em có thể bị xâm hại trên mạng. Báo cáo “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam, bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng” chỉ ra rằng trẻ em từng hoặc có thể bị bạo lực và xâm hại tình dục thường không kể với ai về chuyện đã xảy ra, người được chia sẻ nếu có là bạn bè. Hầu như rất ít trẻ em sử dụng cơ chế trình báo chính thức để trao đổi với Công an hay qua đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ và phần lớn cũng không kể lại với người chăm sóc.
Dù đã có nhiều giải pháp được triển khai với mục tiêu bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nói riêng nhưng giáo dục cần phải đi trước một bước. Các nhà quản lý cần đẩy mạnh nhiều chương trình giáo dục về an ninh mạng cũng như giáo dục trí thông minh kỹ thuật số cho trẻ em để trẻ có đủ kiến thức để bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại.
Bên cạnh đó, cũng cần có hướng dẫn quy định cụ thể các hành vi dâm ô đối với người đủ từ 16 đến 18 tuổi cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cần xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em; cán bộ hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em đáp ứng đủ điều kiện về năng lực cá nhân; có hệ thống các dịch vụ và nguồn lực cho trẻ em ở cấp độ quốc gia và các đơn vị chính quyền địa phương.