Bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó phòng Giám sát an toàn thông tin NGUYỄN PHÚ LƯƠNG, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ về các hình thức lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao để người dân chủ động bảo vệ mình khi sử dụng mạng xã hội.
- Thưa ông, vì sao tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng trong thời gian qua? Ông có thể chia sẻ một vài ví dụ điển hình?
- Trên thế giới hiện có hơn 2 triệu website lừa đảo; mỗi năm, con số này tăng từ 25% đến 30%.
Việt Nam hiện có dân số khoảng 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Với sự phát triển rất nhanh của chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích của mạng xã hội mang lại để hoạt động và gây ra nhiều vụ lừa đảo qua mạng, gây thiệt hại tài sản có giá trị cao.
So với năm 2021, số vụ lừa đảo trực tuyến được ước tính tăng tới 44%. Có thể nói, đối tượng hướng đến để lừa đảo trực tuyến trước đây thường là những người cao tuổi, trẻ nhỏ thiếu nhận thức; nhưng đến nay kể cả những người cảnh giác, có kiến thức cơ bản cũng có thể trở thành nạn nhân, mục tiêu của những kẻ lừa đảo trực tuyến.
Thời gian gần đây nhất, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam có tiếp nhận trình báo của 3 nạn nhân với 3 hình thức lừa đảo trực tuyến đang phổ biến nhất trong dịp Tết Nguyên đán:
Vụ việc thứ nhất, đầu tư qua app giao dịch, nạn nhân bị dụ dỗ, lừa nạp vào tài khoản hơn 2 tỷ đồng để tư vấn đầu tư hộ, sau đó chỉ rút lại được hơn 50 triệu đồng.
Vụ việc thứ hai, vay tín dụng trên các ứng dụng, app quảng cáo trên mạng xã hội (dưới hình thức dụ dỗ: lãi suất thấp, xác nhận là vay ngay, không cần thế chấp …). Sau khi vay thì bị lãi cao đến "chóng mặt", bị các ứng dụng lợi dụng hình ảnh cá nhân, gọi điện đe dọa,…
Vụ việc thứ ba, lừa đảo qua việc làm cộng tác viên online, dụ dỗ nạp tiền và nhận hoa hồng. Tổng thiệt hại nạn nhân phải chịu là hơn 700 triệu.
- Thưa ông, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam hiện nay diễn biến như thế nào khi hoạt động thương mại điện tử phát triển? Những điểm yếu nào của người dùng mạng để kẻ xấu hay lợi dụng nhất?
- Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. Trong đó, khoảng thời gian giáp Tết, nhiều người bị rơi vào bẫy lừa đảo gọi điện thoại giả mạo nhân viên ngân hàng, lừa đảo tuyển cộng tác viên, việc làm online hay lừa vay tiền qua app…

Kẻ xấu áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để tạo niềm tin khác nhau, nhưng có thể phân làm 3 nhóm chính là: giả mạo thương hiệu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 72,6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính,…); chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo,...) với 11,4%; các hình thức khác (việc làm online, app cho vay,...) với 16%.
Mục tiêu cuối cùng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc lừa đảo thông tin cá nhân cũng là bước đệm lừa đảo tài chính. Đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa chú trọng và quan tâm tới vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân, chưa có ý thức bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ các thông tin cá nhân, và cũng chưa thật sự hiểu được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi để kẻ xấu nắm được thông tin của mình.
- Ông có lời khuyên gì để người dùng mạng tránh vướng vào các hình thức lừa đảo trực tuyến hiện nay?
- Rất khó để lấy lại tiền khi mắc phải bẫy lừa đảo trực tuyến nên người dân cần phải trang bị các biện pháp phòng, chống kịp thời. Để tự bảo vệ mình khi tham gia vào các nền tảng trực tuyến, hãy học cách nhận biết các dấu hiệu của lừa đảo như: ưu đãi hấp dẫn, bạn thấy các ưu đãi thấp hơn nhiều so với giá thị trường hoặc không thể tưởng tượng được. Hay yêu cầu bạn bè bất ngờ, bạn nhận được lời mời kết bạn trực tuyến từ một người không quen biết. Hoặc thanh toán bằng thẻ quà tặng hoặc tín dụng, bạn được yêu cầu thanh toán cho dịch vụ bằng thẻ quà tặng hoặc tín dụng mua sắm. Hơn thế nữa, hình thức chuyển tiền khẩn, bạn được yêu cầu thực hiện giao dịch chuyển tiền khẩn cấp. Hình thức khác là yêu cầu OTP, bạn được yêu cầu tiết lộ mã OTP của mình.
Ngoài ra, hãy nhận biết các dấu hiệu lừa đảo và nâng cao kiến thức an toàn thông tin trên https://khonggianmang.vn và https://dauhieuluadao.com.
Bên cạnh đó, sử dụng lợi thế từ Internet, Cục An toàn thông tin cũng xây dựng và phát triển các trang mạng xã hội Cổng không gian mạng quốc gia trên TikTok và Facebook, nhằm mục đích nâng cao kiến thức và phổ biến kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin để người dân chủ động bảo vệ mình khi tham gia sử dụng mạng truyền tải thông điệp “không ai có thể an toàn một mình trên không gian mạng” để mọi người cùng chung tay chia sẻ, bảo vệ gia đình, bạn bè và người dân Việt Nam khỏi các rủi ro không đáng có.
Nếu phát hiện lừa đảo trực tuyến, hãy gửi phản ánh về Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam https://canhbao.khonggianmang.vn/. Đây sẽ là thông tin hữu ích để Cục An toàn thông tin có thể hoàn thành sứ mệnh giúp người dân tránh khỏi các rủi ro, lừa đảo trực tuyến không đáng có.
- Xin cảm ơn ông!