Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Băn khoăn quy định thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp

- Chủ Nhật, 12/06/2022, 06:29 - Chia sẻ

Việc quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp trong dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hợp lý hay không? Nếu có thì áp dụng với tất cả loại hình doanh nghiệp hay chỉ doanh nghiệp nhà nước… là những câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra. 

Làm rõ khái niệm “xương sống”

So với Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, phạm vi của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã mở rộng để điều chỉnh việc thực hiện dân chủ đối với cả 3 loại hình cơ sở gồm: xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp.

Băn khoăn quy định thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp -0
Hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở

Theo đó, Điều 2 dự thảo Luật giải thích: cơ sở là xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về cách giải thích này. Theo ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), xã, phường, thị trấn là một cấp hành chính, còn cộng đồng dân cư chỉ là một tập hợp dân cư có tính tự nguyện cao, do đó việc cùng được điều chỉnh bởi một văn bản là không phù hợp. Việc quan trọng nhất của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đó là xác định cơ sở là gì. Xác định đúng thì mới làm rõ dân được biết cái gì, dân được bàn cái gì, dân kiểm tra cái gì, dân quyết định cái gì và dân thụ hưởng cái gì.

Cùng quan điểm nhưng ở góc độ khác, theo ĐBQH Quản Minh Cường (Đồng Nai), Đỗ Đức Duy (Yên Bái), có rất nhiều mô hình doanh nghiệp, có thể là tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp liên kết... Một tập đoàn lớn, tổng công ty lại có nhiều doanh nghiệp con thì lấy đơn vị nào làm cơ sở? Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, làm rõ khái niệm cơ sở do đây là khái niệm “xương sống” để làm căn cứ thiết kế các chương, mục tiếp theo của dự thảo luật một cách logic.

Cùng với một số dự án luật quan trọng khác, có nhiều nội dung lớn, phức tạp tại kỳ họp này, phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được truyền hình trực tiếp để người dân cả nước theo dõi vào ngày 14.6 trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Đánh giá thật kỹ tác động và tính khả thi

Theo Tờ trình của Chính phủ, thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp là vấn đề duy nhất còn ý kiến khác nhau. Thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng còn quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số đại biểu nhất trí với việc quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp trong dự thảo luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18.2.1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp thời gian qua đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Một số ý kiến đồng tình với việc cần quy định trong Dự thảo nhưng chỉ nên giới hạn trong phạm vi các doanh nghiệp nhà nước, bởi khác với các loại hình doanh nghiệp còn lại, doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn ngân sách. Thực hiện dân chủ trong loại hình doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để người dân có điều kiện giám sát, biết được tiền thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước có được các doanh nghiệp nhà nước sử dụng hiệu quả hay không. Còn trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, các doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ xây dựng quy chế dân chủ nội bộ cho phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ sở như tinh thần của Chỉ thị 30.

Ở phía quan điểm ngược lại, nhiều đại biểu cho rằng đang có nhiều luật hiện hành điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cả người sử dụng lao động và người lao động, trong đó quan trọng nhất là Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn. Đối với doanh nghiệp nên để các luật này điều chỉnh, nếu đưa vào dự thảo Luật này thì không phản ánh đúng bản chất của mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Theo ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum), những quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp ở Chương IV Dự thảo dường như chỉ tập trung vào người sử dụng lao động và người lao động. Trong khi đó, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động về bản chất là quan hệ hợp đồng lao động với những thỏa thuận cụ thể và vận hành theo thị trường lao động. Khi doanh nghiệp hay người sử dụng lao động không đáp ứng được các yêu cầu của bên còn lại thì một trong hai bên được quyền đơn phương chấm dứt quan hệ lao động với một số điều kiện nhất định.

Ngoài ra, một số đại biểu lo ngại, việc dự thảo luật điều chỉnh cả đối tượng doanh nghiệp có thể sẽ làm phát sinh nhiều trình tự, thủ tục hành chính, tăng chi phí cho doanh nghiệp do phải dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn để tổ chức thực hiện luật. Một số quy định không phù hợp với bản chất, nguyên tắc kinh doanh của doanh nghiệp. Có câu “thương trường như chiến trường", khó có thể việc gì cũng bảo đảm dân chủ, công khai, ĐBQH Phan Huỳnh Sơn (An Giang) lưu ý.

Từ những lý lẽ trên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét, đánh giá thật kỹ tác động đến quyền và lợi ích, sự năng động, tính chủ động của doanh nghiệp, khả năng chồng chéo pháp luật và gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật cũng như tính khả thi của dự thảo luật khi mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả đối tượng doanh nghiệp.

Có thể thấy với những ý kiến, quan điểm nhiều chiều như trên, cơ quan soạn thảo sẽ phải tiếp tục nghiên cứu thật thấu đáo để giải trình cụ thể, sâu sắc và rõ nét hơn vấn đề này, từ đó đưa ra được phương án thuyết phục nhất.

Hoàng Tuấn