Bài 2: Bất cập - Quản lý khai thác khoáng sản

Nhật Tuấn 12/06/2022 11:48

Với hàng loạt mỏ rầm rộ khai thác khoảng 20 năm nay, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An được xem là “thủ phủ khoáng sản” lớn nhất Bắc Trung bộ. Theo người dân, việc các doanh nghiệp đổ xô về xã khai thác khoáng sản là nguyên nhân khiến hố tử thần xuất hiện, nước giếng cạn khô. Không chỉ vậy, người dân còn khốn khổ với tiếng ồn, bụi, đánh vật với con đường bị cày nát.

Khổ vì giàu khoáng sản

Được thiên nhiên ban tặng nhiều loại khoáng sản có giá trị, đặc biệt là đá hoa trắng, nên Quỳ Hợp là huyện được cấp phép khai thác nhiều mỏ đá nhất tỉnh Nghệ An.  Đỉnh điểm, huyện Quỳ Hợp có 110 điểm mỏ được cấp phép. Đến thời điểm hiện tại, số điểm mỏ của huyện Quỳ Hợp đã giảm còn 79 điểm được cấp phép khai thác.

Hiện xã có 13 doanh nghiệp vừa khai thác vừa chế biến, trong đó 8 mỏ khai thác đá, 4 mỏ khai thác quặng, mỏ còn lại vừa khai thác quặng vừa khai thác đá. Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tác động xấu đến môi trường; làm hỏng hạ tầng, nhất là đường xá, khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.

Tại thủ phủ khai thác đá tỉnh Nghệ An, ngày đêm hàng chục mỏ đá lớn, nhỏ hoạt động rầm rộ, tiếng máy khoan, xe tải, máy xúc, mìn nổ, đá lăn vang vọng khắp một vùng quê miền núi vốn yên tĩnh bởi đất rộng, người thưa. Đường tỉnh lộ 532 đoạn qua địa bàn huyện Quỳ Hợp bị các xe đầu kéo khổng lồ vận chuyển đá trắng cày nát, tạo thành các ổ voi, mỗi khi xe chạy bụi bay mù mịt.

Hố tử thần Châu Hồng, Quỳ Hợp, Nghệ An: Người dân đi về đâu? -0
Hầm khai thác hoạt động ngày đêm

“Tỉnh lộ 532 là tuyến đường huyết mạch của xã mà sau hơn 20 năm bị xe tải quần nát vẫn không được sửa chữa, nâng cấp. Thỉnh thoảng, doanh nghiệp đổ vật liệu lấp ổ gà, ổ voi, mùa hè nắng bụi, mùa mưa xảy ra nhiều tai nạn giao thông, đi lại rất vất vả. Mỗi lần tôi ra trung tâm huyện họp dù trời nắng vẫn phải mặc áo mưa vì bụi”, ông Hoá cho hay.

Bất thường xảy ra từ khi doanh nghiệp khai thác khoáng sản

Người dân Châu Hồng cho rằng một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nước ngầm, dẫn đến hiện tượng sụt lún, giếng nước cạn bất thường là do hoạt động khai thác khoáng sản. Để lấy quặng thiếc, doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã tiến hành khoét núi, đào sâu vào lòng đất mấy chục mét theo hình thức hầm lò rồi dùng máy công suất lớn để hút nước từ dưới lòng đất, sâu vài trăm mét dẫn đến nguồn nước ngầm dần bị cạn kiệt. 

Hố tử thần Châu Hồng, Quỳ Hợp, Nghệ An: Người dân đi về đâu? -0
Nguồn nước cạn kiệt

Trước tình trạng trên, huyện Quỳ Hợp đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng tạm dừng bơm hút nước ngầm để phục vụ quá trình kiểm tra địa chất, xác định nguyên nhân. Sau đó, UBND huyện Qùy Hợp đã phối hợp với UBND xã Châu Hồng tổ chức kiểm tra, giám sát 8 công ty khai thác khoáng sản tại xã này. Kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ có Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang vẫn đang bơm hút nước ngầm để khai thác quặng thiếc. UBND huyện đã lập biên bản, yêu cầu công ty tạm dừng khai thác, bơm hút nước ngầm, đồng thời đề nghị UBND xã Châu Hồng giám sát việc chấp hành của công ty.

Ngay sau đó, Công ty này đã có công văn gửi UBND huyện Quỳ Hợp, trong đó đề nghị tạo điều kiện cho công ty tiếp tục sản xuất theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, trong đó có giải pháp hút nước hầm lò. “Vì nếu ngừng hút nước buộc công ty chúng tôi ngừng sản xuất và toàn bộ hệ thống hầm lò, thiết bị, máy móc, hệ thống đường điện sẽ bị ngập và thiệt hại của công ty chúng tôi là rất lớn và để khắc phục lại hệ thống đường lò bị ngập mất rất nhiều thời gian và chi phí rất lớn; đồng thời 250 cán bộ, công nhân viên của Công ty và Nhà máy luyện thiếc An Vinh sẽ phải nghỉ việc.”

Trước đề xuất của doanh nghiệp, UBND huyện Quỳ Hợp đã xin ý kiến chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An. Ngày 18.5.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản phản hồi, trong đó nêu rõ: “Trong khi chờ cơ quan kết luận nguyên nhân sụt lún, các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh bình thường theo quy định”. Dù không cho phép Công ty khai thác nước ngầm, nhưng để hoạt động Công ty này phải hút nước ngầm. Đến chiều 27.5, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu, UBND huyện Quỳ Hợp đã phải lần thứ 2 phát thông báo về việc yêu cầu tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn xã Châu Hồng.

Hố tử thần Châu Hồng, Quỳ Hợp, Nghệ An: Người dân đi về đâu? -0
Sau khi các công ty dừng khai thác nước đã có trở lại

“Từ khi huyện yêu cầu Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang và các cơ sở khai thác khoáng sản quặng ngừng việc bơm hút nước ngầm, các hộ dân trong xã không còn nứt nẻ, sụt lún thêm. 299 giếng nước bị cạn trơ đáy cũng đã có nước trở lại.”, Chủ tịch xã Trương Văn Hóa cho biết.

Hơn 2 năm qua, có rất nhiều đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An về xã Châu Hồng kiểm tra. Tuy nhiên, các đoàn đều không có kết luận về nguyên nhân gây sụt lở đất, giếng nước cạn khô.

Đầu tháng 5.2022, UBND huyện Quỳ Hợp đã hợp đồng với Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, xác định nguyên nhân sụt lún đất và giếng nước khô cạn, khoanh định các diện tích có nguy cơ sụt lún; đề xuất biện pháp phòng tránh nhằm ngăn chặn sự cố gây thiệt hại có thể xảy ra tại các vùng dọc tỉnh lộ 532, đoạn từ xã Châu Hồng đến xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Đại diện Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ cho biết, sẽ có kết luận trước ngày 31.7.2022 nên người dân tiếp tục chờ đợi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 2: Bất cập - Quản lý khai thác khoáng sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO