Pháp cần nhìn vào sự thật

- Thứ Ba, 21/09/2021, 06:07 - Chia sẻ
Triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia, hủy cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Pháp đang “nổi giận” với các đồng minh khi bị “qua mặt” trong thương vụ tàu ngầm hàng chục tỷ đô la Mỹ.

Người Pháp nổi giận

Reuters ngày 20.9 dẫn hai nguồn tin cho biết, Pháp đã hủy hội nghị thượng đỉnh quân sự giữa Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace được lên kế hoạch trong tuần này tại London. Động thái trên được đưa ra sau khi Australia, Anh và Mỹ ra mắt liên minh ba bên (AUKUS), trong đó trọng điểm là việc Anh và Mỹ hứa giúp Australia phát triển tàu ngầm hạt nhân, nguyên nhân chính dẫn đến việc Australia hủy hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD ký với Pháp hồi năm 2016.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia khi đó Malcolm Turnbull đến thăm một tàu ngầm của Australia tại Sydney Nguồn: Getty Images
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia khi đó Malcolm Turnbull đến thăm một tàu ngầm của Australia tại Sydney (năm 2018)
Nguồn: Getty Images

Trước đó, Pháp đã triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ và Australia để tỏ thái độ trước vụ việc mà họ gọi là “cú đâm sau lưng đồng minh”. Trước khi rời khỏi, Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault nói với tờ The Guardian trên đường đến sân bay Sydney: "Điều khiến tôi buồn là hai nước vốn thân thiết nhưng chúng tôi đã bị đâm sau lưng". Ông Thebault khẳng định nước Pháp không hề được báo trước. Còn Đại sứ quán Pháp tại Washington cho rằng, quyết định của Mỹ dẫn đến việc loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi quan hệ đối tác quan trọng với Australia, báo hiệu sự thiếu nhất quán trong quan hệ song phương mà Pháp lấy làm tiếc.

Cần nói thêm rằng việc triệu hồi đại sứ Pháp từ Mỹ diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia này và hiện chưa có thông báo khi nào các Đại sứ Pháp có thể trở lại Washington và Canberra. Các nhà quan sát cho rằng, sự việc lần này đã vượt qua cả những rạn nứt trong thời kỳ chiến tranh Iraq. Người Pháp từng triệu hồi đại sứ của họ tại Roma vài năm trước, vì khó chịu trước những lời xúc phạm từ lãnh đạo nhóm Five Star mới nổi Luigi di Maio. Nhưng đó chỉ là lời cảnh báo nhẹ những người theo chủ nghĩa dân túy ở Italy. Trong một trường hợp khác, đại sứ của Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị triệu hồi sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đặt câu hỏi về sức khỏe tâm thần của người đồng cấp Emmanuel Macron. Nhưng sự việc lần này thực sự cho thấy cơn giận dữ đang bùng nổ ở Paris.

Đối với Pháp, ý nghĩa biểu tượng của quyết định triệu hồi đại sứ không đơn thuần là để bày tỏ phản ứng về một hợp đồng vũ khí song phương bị hủy bỏ, mà là cách họ cho thấy sự giận dữ và thất vọng về cách các đồng minh cư xử với nhau và tương lai của chiến lược của phương Tây đối với Trung Quốc.

Không có sự chân thành

Theo cơ chế AUKUS vừa được thành lập, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân nhờ sự hỗ trợ công nghệ của Mỹ và Anh. Khi Bộ Quốc phòng Australia xác nhận điều này, có nghĩa Canberra sẽ không mua các tàu ngầm thông thường từ Pháp.

Các nhà ngoại giao châu Âu tỏ ra ngạc nhiên trước cách xử lý của Mỹ đối với tình huống này. Họ nghĩ rằng với sự xuất hiện của Joe Biden trong Nhà Trắng, các chuyên gia ngoại giao đã “lập lại trật tự” sau sự hỗn loạn và khó đoán của Chính quyền Donald Trump, mặc dù ít nhất ông Trump đã xúc phạm các đồng minh của mình một cách công khai trên Twitter.

Cựu thư ký thường trực tại Bộ Ngoại giao Mỹ Sir Simon Fraser viết trên Twitter: “Đội ngũ chính sách đối ngoại của Biden, vốn được coi là chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, đang tỏ ra vụng về một cách đáng ngạc nhiên và sẽ không tránh khỏi tai tiếng lần này khi không hề thông tin trước cho đồng minh của họ”.

Trong khi đó, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bối rối tuyên bố rằng người Pháp đã được thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng sắp xảy ra dù không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào; sau đó, họ lại chống chế khi nói rằng, Mỹ tưởng Australia đã thông báo trước cho Pháp.

Tuy nhiên, theo tuyên bố của phía Pháp, các cuộc đàm phán của Mỹ với Australia dẫn đến vụ hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm đã diễn ra trong nhiều tháng trong bí mật tuyệt đối.

Năm 2016, công ty Pháp DCNS (Naval Group) đã giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu tàu ngầm cho Hải quân Australia. Các bên đã ký một hợp đồng, theo đó Canberra hứa trả cho Paris khoảng 50 tỷ AUD (35,8 tỷ USD) mua 12 tàu ngầm diesel - điện Shortfin Barracuda Block 1A (phiên bản phi hạt nhân của tàu ngầm hạt nhân đa năng thuộc dự án Barracuda), dự kiến ​​bắt đầu chế tạo vào năm 2023.

Tháng 5.2020, giữa đại dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng Australia đã tính toán rằng, có tính đến lạm phát và tỷ giá hối đoái, việc chế tạo tàu ngầm không còn phù hợp với số lượng quy định trong hợp đồng. Việc đóng 12 tàu ngầm sẽ cần phải chi số tiền gấp gần 2 lần - 90 tỷ AUD (66 tỷ USD). Pháp không thuyết phục được người Australia đang muốn bỏ cuộc. Sau đó, Washington và London đã nhảy vào và “lôi kéo” Canberra bằng tàu ngầm đa năng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Vấn đề nằm ở chỗ, Pháp hoàn toàn không hay biết gì suốt 6 tháng đàm phán bí mật giữa Mỹ, Anh với Australia.

Tại cuộc họp G7 ở Cornwall vào đầu tháng 6.2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison, gặp Tổng thống Pháp Macron và để lại cho ông ấn tượng rằng các khía cạnh kỹ thuật của hợp đồng bao gồm khả năng chậm trễ và chi phí vượt mức sẽ sớm được giải quyết. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, một người luôn nhã nhặn, cũng không nói bất kỳ một manh mối nào cho người đồng cấp người Pháp Le Drian khi họ gặp nhau tại Paris vào ngày 25.6.

Cuối cùng, vào ngày 30.8, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Pháp và Australia đã tổ chức một cuộc tham vấn thường niên, kết thúc bằng một thông cáo dài có đề cập đến tầm quan trọng của chương trình tàu ngầm trong tương lai.

Đại sứ Pháp tại Australia Jean-Pierre Thebault kể về lần đàm phán cuối tháng 8, ông cho biết trao đổi "rất tích cực và thân thiện" nhưng rõ ràng là "không có sự chân thành trong đó".

Nhìn vào sự thật 

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, khi sự giận dữ cùng hổ thẹn vì bị “phản bội” sớm qua đi, Pháp sẽ phải học cách để nhìn vào sự thật "tàn nhẫn" và tìm cho mình một phản ứng thích hợp.

Điều thứ nhất là không có chỗ cho tình cảm trong bất kỳ vấn đề địa chiến lược hay lợi ích quốc gia. Liệu một quốc gia có chấp nhận thay đổi các ưu tiên quốc phòng chỉ vì không muốn bị “mang tiếng”. Australia đã thẳng thắn về điều này khi Thủ tướng Morrison nói rằng, ông hiểu sự thất vọng của Pháp, song “lợi ích quốc gia của Australia được đặt lên trên hết”. “Lợi ích quốc gia của Australia cần phải được ưu tiên hàng đầu và lợi ích này được phục vụ tốt nhất bởi quan hệ đối tác ba bên mà tôi đã nhất trí thành lập với Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson”, Thủ tướng Morrison cho biết.

Trên thực tế, Australia nhận thấy họ đã đánh giá thấp mối đe dọa từ Trung Quốc và do đó cần phải tăng cường mức độ răn đe của họ. Trong khi đó, Pháp lâu nay luôn né tránh bất kỳ một liên minh nào có thể dẫn đến sự đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh, đó là lý do Canberra nhận thấy, họ không còn chung lợi ích với Paris.

Sự thật tàn nhẫn thứ hai được phơi bày bởi sự xuất hiện của AUKUS là Mỹ không còn quan tâm nhiều đến người khổng lồ già cỗi NATO, và do đó cũng không có lòng trung thành đặc biệt nào đối với những người đã đứng về phía nó.

Trong quá khứ, Pháp đã nỗ lực rất nhiều để giúp đỡ những đồng minh Anglo-Saxon của họ trong NATO - giúp đỡ người Mỹ ở Afghanistan; hợp tác với người Anh về quân sự; giúp đỡ người Australia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Pháp đang cố nói rằng: Nhìn này, chúng tôi là những đồng minh chân chính; bởi Chính quyền Paris không chỉ nỗ lực với Biden - mà còn với Donald Trump. Nhưng sau tất cả những điều đó, họ không nhận lại bất kỳ phần thưởng nào, ngoài một vụ nẫng tay trên hợp đồng 40 tỷ USD.

Sự việc lần này một lần nữa buộc người Pháp phải đánh giá lại vai trò của họ ở NATO. Pháp từng rút khỏi Bộ Chỉ huy quân sự của NATO (nhưng không rút khỏi NATO) năm 1966. Tuy nhiên vào năm 2009, với số phiếu áp đảo của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Tổng thống Nicolas Sarkozy, Pháp quay trở lại lực lượng này của NATO. Năm 2020, Pháp đã rút khỏi một chiến dịch giám sát hàng hải của NATO sau khi các mâu thuẫn gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ không được giải quyết.

Tại Quốc hội Pháp, đã có những lời kêu gọi thực hiện “cuộc đào ngũ” lần thứ hai khỏi tổ chức này.

“Paris cần phải ngừng ảo tưởng, đồng thời rút khỏi NATO và cấm thành lập trung tâm hiện đại về an ninh vũ trụ của Liên minh NATO, mà Mỹ muốn đặt ở Toulouse (dự kiến ​​khai trương vào năm 2022)” - Jean-Luc Melanchon - nghị sĩ, ứng cử viên Tổng thống thuộc phe Xã hội Pháp tuyên bố. Jean-Luc Melanchon được biết đến là một chính khách dày dặn kinh nghiệm, là người có tham vọng trở thành Tổng thống với tư cách là ứng cử viên của Đảng Xã hội chạy đua vào vị trí nguyên thủ quốc gia. Trong bối cảnh của cuộc đấu tranh chính trị nội bộ đang diễn ra, “vụ Australia” đã trở thành một món quà miễn phí cho hầu hết các nhà lãnh đạo của phe đối lập Pháp. Lần trước, cánh tả và cánh hữu không đạt được thỏa thuận và mất chức Tổng thống vào tay Macron.

Cũng nhiều chuyên gia cho rằng bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ và nỗi đau rõ ràng về vấn đề kinh tế, Paris sẽ không rút khỏi NATO ở thời điểm 7 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4.2022.

Nhưng cũng không thể nói trước điều gì khi Tổng thống Macron từng là người chỉ trích NATO mạnh mẽ nhất khi ông gọi đây là tổ chức “đã chết não” và từng tuyên bố, sự hiện diện của Pháp trong NATO là vô nghĩa vào tháng 2.2021. Và có thể sự việc lần này sẽ đẩy Pháp đến giới hạn của mình.

Đạt Quốc