Vì sao lại phải đặt giới hạn giảm giá ở các siêu thị?
Đạo luật Descrozaille, được đặt theo tên của người đề xuất luật - ông Frédéric Descrozaille, một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron, được xây dựng dựa trên một quy định tương tự áp dụng cho tất cả các mặt hàng thực phẩm kể từ tháng 3 năm trước. Mục tiêu chính là bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trước các tập đoàn đa quốc gia từ lâu đã thống trị thị trường bán lẻ.
Các nhà lập pháp cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà sản xuất quy mô nhỏ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn khi cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ về việc giảm tỷ suất lợi nhuận. Khi các nhà bán lẻ đàm phán với các nhà sản xuất mà họ hợp tác, các nhà bán lẻ sẽ cố gắng đạt được mức giá thấp nhất có thể, nhằm dự trữ các mặt hàng tương tự cho đối thủ cạnh tranh nhưng với mức giá thấp hơn nhằm mục đích thu hút nhiều khách hàng hơn. Logic tương tự cũng áp dụng cho việc giảm giá, khi các nhà bán lẻ thúc đẩy doanh số bán hàng hấp dẫn.
Luật mới giải quyết mối lo ngại của các doanh nghiệp nhỏ hơn vì không thể cạnh tranh được với mức chiết khấu mà các tập đoàn lớn đưa ra. Mặc dù giới hạn giảm giá tại siêu thị đã được áp dụng cho thực phẩm kể từ tháng 3.2023, một số nhà bán lẻ đa quốc gia ở Pháp đã lách luật bằng cách thành lập liên minh với các đối tác châu Âu và thành lập trụ sở giao dịch bên ngoài biên giới Pháp, ở những quốc gia mà luật pháp vẫn thuận lợi hơn cho “ví tiền” của họ.
Tác động đến người tiêu dùng và minh bạch giá cả
Theo euronews.com, luật trên đã nhận được nhiều lời khen ngợi gần đây vì thúc đẩy tính minh bạch về giá, cho phép người tiêu dùng so sánh giá thực tế và đưa ra những lựa chọn sáng suốt, thay vì có cảm giác sai lầm về những mặt hàng giá rẻ mà chỉ các tập đoàn lớn mới có khả năng để bày lên kệ. Người mua sắm sẽ không còn phải trải qua những biến động mạnh mẽ về giá đi kèm với các đợt bán hàng giảm giá lớn, bảo đảm sự ổn định trong hóa đơn mua sắm hàng tuần của họ.
Tuy nhiên, khi lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến Pháp vào năm 2023, người tiêu dùng đã chuyển sang mua thực phẩm tại các thương hiệu và siêu thị giảm giá như Aldi và Action for Food. Với luật hiện đang mở rộng sang các sản phẩm cá nhân và gia dụng, người mua hàng một lần nữa có thể điều chỉnh thói quen của mình và khám phá các lựa chọn mua sắm thay thế thay vì các siêu thị truyền thống.
Chuyên gia tiếp thị Eric Carabajal gợi ý rằng, tác động của luật sẽ được cảm nhận rõ ràng trong việc mua sắm theo sở thích, những khoản bổ sung nhỏ, mua hàng ngoài kế hoạch, mua số lượng lớn và khám phá. Nhiều người mua sắm có xu hướng chất đầy giỏ hàng của họ những mặt hàng được giảm giá và việc không có đợt giảm giá lớn có thể thúc đẩy sự thay đổi trong mô hình mua hàng.
Mua sắm trực tuyến có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu chiếm một phần đáng kể trong ngân sách hộ gia đình, chẳng hạn như tã lót hoặc dao cạo râu.
Nghiên cứu tháng 1 của văn phòng thống kê IFOP của Pháp về doanh số bán sản phẩm vệ sinh cá nhân và chăm sóc gia đình cho thấy, áp lực kinh tế khiến 50% số người được hỏi hạn chế mua hàng, tăng từ 34% của năm trước. Điều thú vị là, những người được hỏi cho biết đã cắt giảm các sản phẩm trang điểm, thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng ẩm và thậm chí cả các mặt hàng vệ sinh thiết yếu như kem đánh răng hay giấy vệ sinh – những sản phẩm không còn được giảm giá dưới 34% so với giá thông thường…