“Phao” cứu sinh

- Chủ Nhật, 27/06/2021, 05:30 - Chia sẻ
Tại phiên họp vừa qua, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đây là tin vui đối với người lao động và người sử dụng lao động - những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khởi phát vào cuối tháng 4 đã lây lan vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và lao động. Nhiều ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn như: Vận tải hành khách, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, văn hóa, thể thao... Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 tiếp tục tác động mạnh tới thị trường lao động, trong quý I.2021, có tới 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 500.000 lao động bị mất việc làm, hơn 2,8 triệu người phải tạm nghỉ việc không lương.

Không chỉ có người lao động, dưới tác động của dịch bệnh "sức khỏe" của doanh nghiệp cũng đang yếu đi theo thời gian. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những con số đáng buồn cho thấy, doanh nghiệp và người lao động đang ảnh hưởng rất nặng nề. Tác động tiêu cực này chưa thể dừng lại khi mà diễn biến dịch vẫn phức tạp tại nhiều tỉnh thành, số ca nhiễm vẫn tăng lên hàng ngày. Hơn bao giờ hết, đây là lúc rất cần “phao” cứu sinh để giúp người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực bởi những gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Việc Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19 với tổng mức hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng trước đây đã giúp vơi đi phần nào khó khăn cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cùng với chính sách của Nhà nước, nhiều địa phương tùy tình hình cụ thể đã có chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Là địa phương đang “nóng” bởi dịch, ngay trong Kỳ họp thứ Nhất của HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về chi khoảng 886 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố để thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và người đang điều trị Covid-19 theo mức 80.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ăn cho người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch 120.000 đồng/người/ngày. Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người lao động/lần đối với 2 đối tượng người lao động tại các doanh nghiệp…

Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, việc HĐND thành phố ban hành nghị quyết này có ý nghĩa rất lớn. “Phao” cứu sinh này để người dân cảm nhận rằng, trong khó khăn nhất, người lao động nghèo cũng không ai bị bỏ lại phía sau. Quyết sách của HĐND thành phố góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế.

Không chỉ hỗ trợ người lao động, để góp phần bảo đảm sản xuất không bị đứt gãy, nhiều bộ, ngành đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Trước hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải… Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, nhiều mức giảm phí, lệ phí cao như: giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không. Mức giảm phí, lệ phí này khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dù chỉ là ngắn hạn, dù chỉ là giải pháp tạm thời cho người dân và doanh nghiệp, song “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những chính sách hỗ trợ thiết thực này thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với người lao động, đối với doanh nghiệp để cùng nhau vượt khó.

Chủ trương, chính sách hỗ trợ rất kịp thời, thiết thực và nhân văn. Điều quan trọng lúc này là bộ, ngành, địa phương cần có cách triển khai, giám sát chặt chẽ để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Hà An