Sổ tay:

Phân rõ vai

- Thứ Năm, 08/04/2021, 06:09 - Chia sẻ
Giao cho Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục sẽ giao công an xã thực hiện. Đây là một trong những hướng dẫn nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong thực tiễn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được đề xuất tại Dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP).

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Giao Ủy ban Nhân dân xã - nơi đối tượng bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ 3 - tổ chức quản lý đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp nhằm giúp đỡ, giáo dục người vi phạm mà không phải cách ly họ khỏi cộng đồng. Vì vậy, việc giao UBND xã tổ chức quản lý đối tượng không có nơi cư trú ổn định trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, giữa các văn bản sự chênh lệch về thời gian chấp hành biện pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Cụ thể việc chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế khi có nguyện vọng, khi không tuân thủ quy trình chuyên môn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện từ 02 lần trở lên trong vòng 06 tháng hoặc xét nghiệm dương tính với các chất dạng thuốc phiện liên tiếp từ 02 lần trở lên (trừ thuốc điều trị thay thế) trong vòng 12 tháng sau khi đã đạt liều điều trị duy trì; nhưng thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 3 tháng đến 6 tháng. Sự chênh lệch thời chấp hành các biện pháp khác nhau nên dẫn tới sự chậm trễ, ùn tắc trong việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, gây áp lực không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Hay, việc giao cho UBND cấp xã nơi người vi phạm cư trú quản lý người nghiện trong khi công chức cấp xã hoàn toàn không có những kiến thức chuyên môn liên quan đến quản lý cắt cơn, sử dụng ma túy…

Từ thực tế này, Dự thảo Nghị định dự kiến đề xuất bổ sung một quy định riêng về việc “quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục là người không có nơi cư trú ổn định”. Trong đó, quy định Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ giao Công an xã thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục, đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Đề xuất này có căn cứ khi Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú; hơn nữa, các chức danh công an xã, phường, thị trấn hiện nay đã do công an chính quy đảm nhiệm.

 Ngoài ra, theo quy định tại Điều 35a, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐCP) thì: Trường hợp người chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ít nhất 1/2 thời gian, nhưng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ chấm dứt áp dụng biện pháp, chuyển sang áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vậy nhưng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lại không quy định trường hợp đối tượng là từ 14 đến dưới 18 tuổi tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ bị chuyển sang áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Từ thực tế này, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định xử lý trường hợp người từ 14 đến dưới 18 tuổi đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 67/2020/QH14) thì sẽ chấm dứt áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện đưa vào trường giáo dưỡng. Việc quy định rõ biện pháp chuyển hướng sẽ giúp các cơ quan liên quan tránh được lúng túng trong xử lý người vi phạm. 

Phạm Hải