Phân quyền cho địa phương
“Phi tập trung hóa” là thuật ngữ bao quát chỉ sự phân tản quyền lực từ chính quyền trung ương cho các thiết chế ở các cấp chính quyền hoặc cấp hành chính khác nhau mang tính lãnh thổ.

Phi tập trung hóa có thể liên quan đến hai khía cạnh: thứ nhất là chuyển giao cho chính quyền cấp dưới những yếu tố của sự tự trị, theo đó, chính quyền cấp dưới có thể dùng các quyền lực này để tự mình điều chỉnh và/hoặc thực thi những chức năng hoặc dịch vụ công nhất định (ví dụ như chăm sóc y tế và giáo dục cơ bản...). Thứ hai, bằng việc thiết lập hệ thống những “luật lệ chung” cho phép các thiết chế cấp dưới tham gia vào quá trình làm luật ở phạm vi quốc gia, thường thông qua viện thứ hai trong nhánh lập pháp hoặc bằng cách có một danh mục những “quyền lực chung” cho phép nhiều cấp chính quyền cùng nhau điều tiết một lĩnh vực nhất định. Thông thường quá trình phi tập trung hóa bao gồm cả hai khía cạnh trên.
Phi tập trung hóa có hai mục tiêu chủ chốt: thứ nhất, thiết kế một hệ thống cung cấp dịch vụ công hiệu quả dựa trên nguyên lý hỗ trợ: các dịch vụ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả bởi những chính quyền cấp dưới nên giao cho chính quyền cấp đó chịu trách nhiệm; phân bổ quyền lực công một cách rộng rãi để xây dựng một chính quyền hiệu quả; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ của chính quyền và nguồn lực kinh tế; khuyến khích sự tham gia một cách rộng rãi của công chúng. Thứ hai, xây dựng cấu trúc chính quyền trong đó các nhóm đa dạng có thể chung sống một cách hòa bình; cho phép những người tham gia đại diện cho một cộng đồng thiểu số hoặc các khu vực “bên lề” có được những vị trí nhất định trong hệ thống đó, thông qua đó tăng cường sự ổn định của quốc gia.
Những mục tiêu này khi được áp dụng trong hoàn cảnh cụ thể sẽ ảnh hưởng tới việc thiết kế phi tập trung hóa. Nhiều tài liệu khuyến nghị rằng việc chuyển giao nhiệm vụ từ cấp trung ương về cấp địa phương có thể cải thiện việc cung cấp dịch vụ và tính giải trình trách nhiệm, trong khi đó việc chuyển giao thẩm quyền cho cấp vùng, tỉnh hoặc bang có thể là sự dàn xếp tối ưu khi có sự đa dạng sắc tộc. Tuy nhiên, đặc biệt là trong các xã hội hậu xung đột, địa phương có cấu trúc không vững chắc và thiếu nguồn nhân lực có trình độ có thể tạo ra chính quyền địa phương không hiệu quả và tham nhũng, trong khi đó sự phi tập trung hóa trên cơ sở các yếu tố sắc tộc không được thiết kế phù hợp có thể dẫn đến sự ly khai sâu sắc hơn.
Phi tập trung hóa bao gồm yếu tố nội dung và yếu tố hình thức. Yếu tố hình thức của sự phi tập trung hóa (đôi khi được đề cập tới như “sự phi tập trung hóa về địa lý”) xử lý vấn đề cấu trúc chính quyền bằng việc xác định các cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương và số lượng các đơn vị trong mỗi cấp chính quyền. Yếu tố nội dung của sự phi tập trung hóa đôi khi được đề cập tới như “sự phi tập trung hóa về chức năng”; các thẩm quyền được trao cho các cấp chính quyền cấp dưới (thường được đề cập đến như là “mức độ của sự phi tập trung hóa”).
Bối cảnh cụ thể của quốc gia hay khu vực ảnh hưởng đến việc thiết kế phi tập trung hóa. Ví dụ, trong khi một số quốc gia có thể giải quyết thành công những xung đột trước đó bằng cơ chế phi tập trung hóa quyền lực, một số quốc gia khác đã thất bại, đôi khi còn rơi vào tình trạng xung đột trầm trọng hơn. Văn hóa chính trị, lợi ích cá nhân của các lãnh đạo chính trị cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này. Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến yếu tố bối cảnh quốc gia có ảnh hưởng tới tính hiệu quả của sự phi tập trung hóa là tính đa dạng của hệ thống đảng phái chính trị trong quốc gia đó – đặc biệt là vấn đề liệu những đảng đó có được khu vực hóa hay không.