Quốc hội và Cử tri

Phân định rõ thẩm quyền giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong quản lý dữ liệu cá nhân của đối tượng đặc thù

Hải Yến 13/05/2025 08:25

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Lê Quang Đạo (Phú Yên) đề xuất dự thảo Luật cần phân định rõ thẩm quyền của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Cấp bách và cần thiết

Theo đại biểu Lê Quang Đạo, kể từ Hiến pháp năm 2013, cụm từ “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” được sử dụng tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trẻ em. Tuy nhiên, trong tất cả các văn bản nêu trên, chưa văn bản nào đưa ra khái niệm này.

Anh Dao
ĐBQH Lê Quang Đạo (Phú Yên) nêu rõ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cấp bách và cần thiết

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an ninh xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Trong khi đó, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân mới chỉ là văn bản dưới Luật, cần được luật hoá nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất pháp luật hiện hành.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; dữ liệu cá nhân thường xuyên, liên tục được các chủ thể chuyển lên môi trường điện tử dẫn đến tình trạng lộ lọt, mất dữ liệu cá nhân hoặc có nguy cơ cao bị sử dụng trái phép, sai mục đích trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được pháp luật quy định rõ ràng, chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe. Hệ quả là dữ liệu cá nhân đứng trước nguy cơ cao bị chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Vì vậy, đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cấp bách và cần thiết; đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực về bảo vệ dữ liệu cá nhân; thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, tạo môi trường lành mạnh cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Đại biểu Lê Quang Đạo tán thành với các quy định mới bổ sung trong dự thảo Luật liên quan đến nhiều loại hình công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, vũ trụ ảo, điện toán đám mây…; nêu rõ các quy định này sẽ tạo lập được nền tảng pháp lý vững chắc, nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW; tạo lập hành lang pháp lý chặt chẽ, có tính khả thi cao, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân nói riêng, bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nói chung.

Phân tích tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Lê Quang Đạo nêu rõ, quản lý dữ liệu cá nhân không chỉ ảnh hưởng tới các vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng mà còn là thách thức lớn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đây là dự luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật; tác động, ảnh hưởng không chỉ đến tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực dân sự mà còn liên quan mật thiết đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định của Luật. Trên cơ sở đó, giao Chính phủ, bộ, ngành liên quan quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm rõ ràng, khả thi, nhất là các quy định về phương án, giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước, đại biểu đề xuất.

Phân định rõ thẩm quyền giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng

Từ thực tiễn quản lý dữ liệu cá nhân, trong đó có các ngành, lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, đại biểu Lê Quang Đạo đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh khoản 3, Điều 51 dự thảo Luật theo hướng quy định Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, Luật An toàn thông tin mạng 2015 có điều khoản giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, đồng thời kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang trình Quốc hội tại Kỳ họp này cũng có quy định giao Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể các hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực Bộ Quốc phòng quản lý.
Ngoài ra, Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ giao Bộ Quốc phòng quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và áp dụng các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng cũng có một số quy định đã được thực tiễn chứng minh cần được luật hoá trong dự thảo Luật lần này.

Đối với quy định này trong dự thảo Luật (tại khoản 3 Điều 51), nhằm phân định rõ thẩm quyền của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến dữ liệu cá nhân của các đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng (dữ liệu sĩ quan, quân nhân, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan binh sĩ, công chức, viên chức quốc phòng…), đại biểu Lê Quang Đạo đề nghị quy định theo hướng “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu cá nhân, trừ dữ liệu cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phân định rõ thẩm quyền giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong quản lý dữ liệu cá nhân của đối tượng đặc thù
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO