Phân định rõ chức năng, thẩm quyền xét xử của từng cấp để thực hiện đúng nguyên tắc chung của tòa án là bảo vệ công lý

Hoàng Ngọc 18/01/2014 08:46

Hiến pháp (sửa đổi) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đổi mới hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Tại Hội thảo Một số nội dung cơ bản của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp tổ chức, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử và theo mô hình 4 cấp như Nghị quyết 49 là hoàn toàn đúng đắn, không có gì phải tranh luận. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động xét xử, một số ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu, phân định thật rõ chức năng, thẩm quyền xét xử của từng cấp tòa án để bảo đảm thực hiện đúng đắn nguyên tắc chung của tòa án là bảo vệ công lý.

Tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào địa giới hành chính là hoàn toàn đúng đắn

 Trong quá trình thành lập và phát triển của ngành tòa án nhân dân, để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, hệ thống tòa án nhân dân đã có những thay đổi, cải cách về tổ chức và hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân; tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tại Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động đối với Tòa án là tổ chức Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW gồm 4 cấp: tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tòa án nhân dân cấp cao và tòa án nhân dân tối cao. Mới đây nhất, Hiến pháp (sửa đổi) đã xác định: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do Luật định. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng hệ thống tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử và mô hình 4 cấp như tinh thần của Nghị quyết số 49.

Tại Hội thảo do Ủy ban Tư pháp tổ chức, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào địa giới hành chính và theo mô hình 4 cấp như Nghị quyết 49 và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng được đòi hỏi trước mắt cũng như lâu dài đối với việc hoàn thiện hệ thống tòa án nhân dân ở nước ta. Mô hình này, theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đào Thị Xuân Lan, cũng phù hợp với mô hình tổ chức tòa án của hầu hết các nước trên thế giới hiện nay. Việc thay đổi tổ chức tòa án từ dựa trên tiêu chí địa giới hành chính sang dựa trên tiêu chí chức năng, thẩm quyền xét xử - không chỉ là sự đổi mới có tính chất đột phá trong chiến lược cải cách tư pháp, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm nguyên tắc độc lập trong xét xử của ngành tòa án, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tòa án mà còn khắc phục được những hạn chế, yếu kém của mô hình tổ chức hệ thống tòa án hiện hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế – Ủy viên thường trực Đào Thị Xuân Lan nhấn mạnh.

Cần phân định thật rõ chức năng, thẩm quyền xét xử của từng cấp

Vấn đề còn băn khoăn hiện nay là phân định chức năng, thẩm quyền xét xử của từng cấp tòa án như thế nào để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tòa án? Theo tinh thần của Nghị quyết 49 và Kết luận 79 của Bộ Chính trị, tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tòa sơ thẩm khu vực có thẩm quyền giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền như đối với Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay và từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử các khiếu kiện hành chính và các loại việc khác. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có kháng cáo, kháng nghị; xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thuộc địa hạt của tỉnh đó và hướng dẫn nghiệp vụ xét xử đối với các Tòa án cấp dưới; không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm. Tòa án nhân dân cấp cao sẽ được thành lập trên cơ sở ba Tòa phúc thẩm hiện nay của Tòa án nhân dân tối cao, có thẩm quyền thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có kháng cáo, kháng nghị và giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền thực hiện việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án cấp cao; giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân các cấp; tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; và quản lý các Tòa án về tổ chức. Việc tổ chức Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử sẽ khiến cho cơ cấu tổ chức ngành tòa án có sự thay đổi lớn. Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn nêu vấn đề: nếu xác định Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với phương hướng mở rộng chức năng, thẩm quyền xét xử thì có nên tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có các Tòa chuyên trách để bảo đảm thực hiện tốt công tác xét xử sơ thẩm các loại án hay không? Khi bỏ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh như quy định hiện hành, tập trung đầu mối ở Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao thì hai Tòa này có đi sâu, đi sát thực tiễn từng địa phương, địa bàn để giám đốc thẩm các vụ án như Tòa án nhân dân cấp tỉnh đang làm hiện nay được hay không?

Dự kiến, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được thành lập sẽ tiếp nhận vai trò, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay. Như vậy, chỉ tính riêng phạm vi xét xử, có khả năng Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ phải xét xử trên 80% vụ án hình sự và trên 90% vụ án dân sự. Nếu bổ sung thẩm quyền xét xử khiếu kiện hành chính và các loại việc khác, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu, có lẽ cũng nên tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có một số Tòa chuyên trách như Tòa án cấp tỉnh hiện hành. Từ thực tiễn địa phương, Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An Đặng Văn Trung cũng đề nghị, nên thành lập các Tòa chuyên trách như đối với Tòa án cấp tỉnh, vì thẩm quyền xét xử của Tòa án sẽ mở rộng, cần phải có sự phân công theo hướng chuyên môn hóa để nâng cao chất lượng xét xử. Tuy nhiên, việc thành lập Tòa chuyên trách cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng khu vực, cũng có thể có những nơi không cần phải thành lập Tòa chuyên trách hoặc có nơi chỉ có Tòa chuyên trách về hình sự, có nơi chỉ có Tòa chuyên trách về dân sự.

Cũng theo chức năng thẩm quyền đang được dự kiến thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ không còn vai trò giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ cho rằng, quy định như vậy sẽ là một thiếu sót đối với hoạt động Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Thực tế, cấp giám đốc thẩm là cấp kiểm tra. Với khoảng 6.000 án/năm, bộ phận giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa có 10 người, thực hiện việc thị sát, kiểm tra tại 27 huyện, thị mà chỉ xử lý được 10 – 20 vụ giám đốc thẩm mỗi năm. Nếu đưa hết hồ sơ về Tòa án nhân dân cấp cao, e rằng, Tòa án nhân dân cấp cao khó có điều kiện đi sâu, đi sát từng địa bàn tỉnh, thành phố, chứ chưa nói đến cấp huyện. Thực tế, càng nhiều cấp giám đốc thẩm để kiểm tra sẽ càng bảo đảm chất lượng xét xử. Vì thế, Chánh án Nguyễn Thành Bộ đề nghị, nên quy định Tòa án nhân dân cấp cao có thể giám đốc thẩm đối với Tòa án nhân dân cấp dưới, và Tòa án nhân dân Tối cao giám đốc thẩm Tòa án nhân dân ở tất cả các cấp. Quy định này cũng phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ nhiệm Dương Ngọc Ngưu cũng cho rằng, nếu chuyển thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh lên Tòa án cấp cao, thì cơ cấu tổ chức Tòa án cấp cao cũng cần phải có các Tòa chuyên trách mới có thể thực hiện được nhiệm vụ. Hay khi quy định Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm Tòa án các cấp, thì cũng cần phải xác định rõ thẩm quyền trong giám đốc thẩm xét xử các vụ án khi nào được chuyển về Tòa án cấp cao, khi nào được chuyển cho Tòa án nhân dân tối cao.

Đề xuất thành lập các tòa án chuyên trách như trên hiện cũng đang gây không ít băn khoăn vì sẽ khó tránh được việc sẽ làm tăng thêm tổ chức bộ máy của ngành Tòa án. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trên cơ sở sáp nhập một hoặc một số Tòa án nhân dân cấp huyện phải được tính toán, nghiên cứu thật kỹ để vừa giảm bớt đầu mối, vừa tập trung nguồn lực, bảo đảm cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực hoạt động có hiệu quả, tránh tình trạng thẩm phán đa di năng, lĩnh vực nào, loại án nào cũng có thể xét xử được dẫn đến việc khó bảo đảm chất lượng xét xử của ngành tòa án.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phân định rõ chức năng, thẩm quyền xét xử của từng cấp để thực hiện đúng nguyên tắc chung của tòa án là bảo vệ công lý
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO