Giáo viên công lập nên để cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng
Các ĐBQH tán thành việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Theo ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), sản phẩm, hàng hóa thông thường có thể có tỷ lệ lỗi nhất định, nhưng sản phẩm của nghề giáo đặc biệt vì đó là hình thành nhân cách của con người, đòi hỏi có sự hoàn thiện về phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
"Những yêu cầu trên là đơn đặt hàng của xã hội, của đất nước đối với nhà giáo nên họ không được phép tạo ra sản phẩm lỗi“. Nhấn mạnh yêu cầu này, đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là rất cần thiết để tạo lập hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cũng như bảo đảm môi trường làm việc để nhà giáo an tâm, gắn bó với công việc.
Cũng có ý kiến băn khoăn hiện có ít nhất 6 luật trực tiếp quy định liên quan đến nhà giáo (gồm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học) thì có cần xây dựng Luật Nhà giáo không. Tuy nhiên, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, các nội dung quản lý nhà giáo trong các luật hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ và đã có một số bất cập. Trong đó, việc quản lý, sử dụng và tuyển dụng giáo viên hiện thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, nhưng lấy tiêu chí của viên chức hành chính chuyên môn áp dụng với nhà giáo là chưa phù hợp. Điều này cũng đang khiến mỗi giáo viên cuối năm phải làm hai bản đánh giá theo Luật Viên chức và tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa đầy đủ và tường minh về nhà giáo. Trong khi đó, so với nhiều ngành khác, hoạt động giáo dục, giáo dưỡng của nhà giáo trong ngành giáo dục và đào tạo có những điểm đặc trưng, riêng biệt.
Về các nội dung cụ thể trong dự thảo Luật, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, tại điểm d, Khoản 1 Điều 27 đã quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tuy nhiên, tại Điều 18 dự thảo Luật quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng chưa xác định rõ chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định chế độ tiền lương với người tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng.
Cũng về việc tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu thực tế, trong khâu tuyển dụng giáo viên đang có một nghịch lý. Đó là, người tuyển dụng lại không phải người trực tiếp sử dụng. Ngành nội vụ tuyển dụng giáo viên, trong khi ngành giáo dục sử dụng giáo viên lại không được chủ trì tuyển dụng.
Mặt khác, ngành giáo dục nhiều tỉnh đã nói thiếu giáo viên nhưng không được chủ động điều phối từ nơi thừa sang nơi thiếu, trong khi các địa phương cũng đang vướng vấn đề này.
Do đó, đại biểu đề nghị, cần giao ngành Giáo dục ở địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên để có thể nắm bắt đúng đòi hỏi của thực tế, chủ động điều động, luân chuyển, qua đó góp phần giải bài toán khó hiện nay là thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Nhiều ĐBQH cũng tán thành với quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo. Theo đó, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền; với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng giáo viên.
Cần bổ sung quy định hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật
Đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các ĐBQH tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành với những lý do được Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đưa ra. Theo ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang), khi sửa đổi Luật Việc làm hiện hành cần tập trung xem xét các chính sách về việc làm, đặc biệt các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường việc làm trong nước, phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật cũng cần nghiên cứu, xem xét các chính sách hỗ trợ thị trường việc làm trong những ngành công nghệ (công nghệ bán dẫn), công nghệ/việc làm xanh… để đưa ra định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với xu hướng của tương lai.
"Thông qua đó, hướng tới xây dựng một thị trường việc làm trong nước vững mạnh, phát triển, mở rộng, mỗi người dân trong độ tuổi lao động đều được kết nối để được làm việc, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân", đại biểu nhấn mạnh.
Về các nội dung cụ thể, đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, người khuyết tật vốn được xếp vào nhóm yếu thế trong xã hội, cơ hội việc làm đối với nhóm đối tượng này càng thấp hơn so với những người lao động bình thường trong xã hội, trong khi họ đều có mong muốn, nhu cầu được có việc làm, tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân.
Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số cũng đa phần xuất phát từ những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, do đó việc có việc làm đối với những nhóm đối tượng này thường hạn chế hơn rất nhiều so với các nhóm đối tượng khác.
Nhấn mạnh thực tế nêu trên, đại biểu Lý Anh Thư đề nghị, cần có những chính sách việc làm cụ thể, thiết thực đối với các nhóm đối tượng trên để góp phần nâng cao khả năng có được việc làm của người khuyết tật và cần thiết phải đưa vào thành một quy định cụ thể trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Bởi lẽ, việc quy định các chính sách cụ thể với các nhóm đối tượng này, không những góp phần thể hiện một cách rõ ràng quan điểm của Nhà nước và xã hội đối với nhóm những người yếu thế trong xã hội, nhưng cũng đồng thời là cơ sở để triển khai chính sách việc làm cho các nhóm đối tượng này trên thực tế một cách hiệu quả, thiết thực. Thông qua đó góp phần vào mục tiêu chung, từng bước củng cố thị trường việc làm trong nước bền vững hơn.