Dư âm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Phân bổ nguồn lực hỗ trợ hợp lý

- Thứ Ba, 07/12/2021, 05:42 - Chia sẻ
Tán thành với ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 rằng cấp thiết phải có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, đại biểu Quốc hội và đại diện doanh nghiệp cho rằng, các gói hỗ trợ cần phải cân đối, tính toán, phân bổ khoa học và hợp lý, bảo đảm cho cả mục tiêu ngắn hạn và lâu dài.

Ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai:
Thực hiện tốt 5K + vaccine + chính sách mới

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được tổ chức rất cấp thiết và kịp thời, nội dung hay và phong phú. Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, việc phục hồi kinh tế và chuẩn bị các điều kiện để phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách. Bởi suy cho cùng, nếu kinh tế trì trệ, không phát triển thì đời sống Nhân dân sẽ rất khó khăn, đồng thời sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội… Tuy nhiên, không chỉ là phục hồi, mà phải phục hồi và phát triển bền vững. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã và đang xây dựng các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và để không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Trong điều kiện dịch bệnh có thể kéo dài với biến chủng mới, để thích ứng và phát triển bền vững dứt khoát phải thực hiện tốt 5K + vaccine + chính sách mới. Tôi rất đồng tình với các đại biểu đã phân tích tại diễn đàn rằng, cần nhận thức được những đặc điểm, điều kiện, tính đặc thù của nền kinh tế trong tình hình mới để đưa ra giải pháp phù hợp. Các gói hỗ trợ cần phải cân đối, tính toán, phân bổ hết sức khoa học và hợp lý để bảo đảm cho cả mục tiêu ngắn hạn và lâu dài.

Ông Huỳnh Thành Chung, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước:
Ưu đãi tín dụng cho nhóm ngành sản xuất

Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, trong bối cảnh đặc biệt cần phải có giải pháp đột phá, có cơ chế khác với điều kiện bình thường. Tôi cho rằng, gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế mà các chuyên gia đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 rất cần thiết. Nếu thiếu nó, có thể nền kinh tế Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp phục hồi với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu không có định hướng cụ thể, dòng tiền sẽ không đến đúng mục tiêu, không hướng đến đúng đối tượng và gói hỗ trợ không đạt hiệu quả như mong muốn.

Về chính sách tiền tệ, cụ thể là chính sách hỗ trợ lãi suất, theo tôi cần các giải pháp đồng bộ. Ví dụ, để các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xem xét giảm lãi suất điều hành, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn…

Hơn nữa, thực tế là dù lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn giảm chưa tương xứng. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện vẫn rất lớn. Kết quả kinh doanh năm 2020 và 9 tháng năm 2021 của các ngân hàng đều tốt, lãi cao. Vì vậy, các ngân hàng cần tiếp tục xem xét tiết kiệm các chi phí, giảm lãi suất cho vay để chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng nên kéo dài thời gian thực hiện cơ chế khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đến hết năm 2023 như đề xuất của các chuyên gia.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ lãi suất nên có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, dòng vốn tín dụng ưu đãi nên được nắn chỉnh để hướng tới các doanh nghiệp sản xuất thay vì các nhóm ngành phi sản xuất. Như vậy sẽ giúp tránh được bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán, tránh lạm phát và ổn định vĩ mô.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam:
Nêu cao trách nhiệm của địa phương

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, đại diện của Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia đề xuất gói chính sách an sinh xã hội. Cụ thể là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc khoảng 6.000 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề khoảng 6.800 tỷ đồng. Ngoài ra, xem xét giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp… với khoảng 38.000 tỷ đồng.

Tôi cho rằng, các chính sách an sinh xã hội như vậy rất phù hợp trong thời điểm này. Các doanh nghiệp và người lao động hiện vẫn rất khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ dù ít hay nhiều đều tốt và có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn. Trong đó, đề xuất giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp… với khoảng 38.000 tỷ đồng là giải pháp thiết thực nhất.

Để triển khai hiệu quả các gói an sinh xã hội, ví dụ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc, cần nêu cao trách nhiệm của địa phương. Bởi đây là nơi nắm rõ nhất trên địa bàn của mình có bao nhiêu trường hợp cần hỗ trợ. Đồng thời, doanh nghiệp phải liên kết với địa phương trong việc kê khai, xác nhận các trường hợp khó khăn. Chung quy lại, trách nhiệm của địa phương vẫn phải đặt lên hàng đầu, từ đó Nhà nước có căn cứ để hỗ trợ.

Ông Vũ Tuấn Cường, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải Thăng Long:
Tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng - khó khả thi

Nút thắt lớn nhất trong giải ngân đầu tư công hiện nay chủ yếu do liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng các dự án lớn. Nguyên nhân phần lớn do giá đền bù chưa tương xứng với giá trị thực nên rất khó để người dân chuyển đi nơi khác. Đối với những dự án lớn đã giải phóng được mặt bằng, các đơn vị thi công đều đã thực hiện bảo đảm tiến độ. Do đó, đề xuất tăng đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 150.000 tỷ đồng trong 2 năm tới để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, theo tôi là khó khả thi.

Về đề xuất giảm lãi suất cho vay, tôi cho rằng đi kèm với đó là cơ chế, chính sách phải mở hơn nữa, phải đơn giản hóa tối đa thủ tục, giấy tờ thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được nguồn vốn. Bởi thực tế, dù có hạ lãi suất thấp hơn nữa các doanh nghiệp khó có thể vay được vì đa phần không bảo đảm yêu cầu về tài sản thế chấp và các thủ tục của ngân hàng. Thủ tục cho vay của ngân hàng hiện rất khó.

Ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Công ty Đại lý Thuế BCTC:
Đừng “chưa làm đã sợ nhầm đối tượng”!

Trong gói tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế các chuyên gia đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam có chính sách bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô dư nợ khoảng 80.000 tỷ đồng. Theo tôi, việc này đáng phải làm từ lâu! Doanh nghiệp sống sót được sau đại dịch là rất tốt, giờ cần triển khai nhanh giải pháp này để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi.

Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, giống như “bơm máu” cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp sống và hoạt động tốt hơn. Từ những giải pháp hỗ trợ vừa qua có thể thấy Nhà nước đã cố gắng nhiều nhưng chưa giải ngân được bao nhiêu. Do đó, để doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ thì thủ tục hành chính phải nhanh gọn, đơn giản, đừng chưa làm đã sợ nhầm đối tượng. Nút thắt lớn vẫn là làm sao để giải ngân đúng, trúng đối tượng nhưng thủ tục phải đơn giản.

Q. Khánh - Hạnh Nhung - Minh Trang thực hiện