Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước

- Thứ Tư, 20/10/2021, 17:27 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, chiều nay 20.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Điều chỉnh quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Luật Thống kê; tổ chức các hội thảo trực tuyến với các Bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; hội thảo với các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về các chủ đề liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; nghiên cứu Luật Thống kê một số nước quy định danh mục chỉ tiêu thống kê. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật
Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP), rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 cũng sẽ được thay thế bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này. Kết cấu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 3 cột: số thứ tự; mã số; nhóm, tên chỉ tiêu với 20 nhóm và 222 chỉ tiêu. 

Nội dung chỉ tiêu thống kê gồm khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp sẽ được quy định tại Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, 129 chỉ tiêu thống kê hiện hành do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. 46 chỉ tiêu thống kê được sửa tên để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế. Bổ sung 47 chỉ tiêu thống kê để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây. Ngoài ra, bỏ 11 chỉ tiêu thống kê do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu thống kê khác.

Với sự sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây. Trong đó, có cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam (bổ sung chỉ tiêu thống kê về giới ở cấp độ toàn cầu; về phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu; thống kê cấp độ ASEAN; về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu (IDI); về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới).

Đánh giá kỹ nguồn lực thực hiện

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật
Ảnh: Quang Khánh

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, trong thời gian ngắn đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật qua 2 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung tại 2 điều, Điều 17 và Điều 48 cũng đã được đánh giá tác động theo quy định. Song, có ý kiến cho rằng, việc thay đổi tên và mở rộng phạm vi, bổ sung thêm 2 điều, nhưng hồ sơ dự án Luật với Tờ trình mới chỉ bổ sung công văn góp ý của Bộ Tư pháp mà không bổ sung báo cáo thẩm định là chưa đầy đủ theo quy trình thẩm định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Dự án Luật chỉ với 3 điều, dù chưa bảo đảm toàn diện các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Ba, nhưng đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn cơ nhất, quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu hiện nay, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước. Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 377/BC-CP tiếp thu, giải trình ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nhiều vấn đề lớn cần phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung toàn diện hơn”, Chủ  nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định.

Dù vậy, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, cần rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu).

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, cần nghiên cứu tách riêng nhóm chỉ tiêu “bình đẳng giới” không ghép cùng lĩnh vực lao động, việc làm; sửa tên nhóm “doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp” thành “tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp), hộ kinh doanh, cơ quan hành chính”; bổ sung nhóm chỉ tiêu riêng cho “kinh tế số, chuyển đổi số”; làm rõ khái niệm, nội hàm, quy định cụ thể về đo lường quy mô nền kinh tế số, đóng góp của các ngành vào kinh tế số, hạch toán tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán. Sửa tên nhóm chỉ tiêu “Giáo dục” thành “Giáo dục, đào tạo”, bổ sung chỉ tiêu để đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về các cấp học, đào tạo nghề. Cân nhắc tách nhóm chỉ tiêu thứ 19 về“Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” thành hai nhóm riêng.

Ngoài ra, tại Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Thống kê hiện hành, nguồn lực, tài chính được nhận định là một trong những tồn tại, hạn chế của việc tổ chức thực hiện luật. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung tăng các chỉ tiêu thống kê quốc gia cần phải được đánh giá kỹ các tác động về điều kiện nguồn lực, tài chính nhằm bảo đảm việc thực thi luật có hiệu quả, tránh tình trạng ban hành chỉ tiêu nhưng không thực hiện được.

Thanh Hải