Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội

Phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân

- Thứ Ba, 12/10/2021, 07:49 - Chia sẻ
Tại Phiên họp sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tổng hợp thông tin từ các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Hai. Nội dung Báo cáo cần phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

"Không tô hồng, cũng không bôi đen"

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, với biến chủng Delta đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Vì thế, ngay trong dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng dành nhiều sự quan tâm cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; các gói chính sách xã hội, gói an sinh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tham nhũng, tiêu cực trong phòng, chống dịch Covid-19…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp Ảnh: Lâm Hiển
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát, kết quả đó rất đáng trân trọng, nhiều quyết sách có tính lịch sử, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong đợt dịch này, “kinh tế bị bào mòn, sức khỏe cộng đồng bị bào mòn, sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân bị bào mòn, chỉ có lòng nhân ái, tình dân, nghĩa Đảng, lòng yêu nước, thương nòi được nhân lên gấp bội”. 

Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần đánh giá sự quyết liệt, sáng tạo của các cấp chính quyền trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều hình ảnh cao đẹp, xúc động như trợ giúp, đưa đón hàng nghìn người dân từ vùng dịch về quê cần được nêu trong dự thảo Báo cáo.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Báo cáo cần làm rõ hơn tâm trạng của người dân, với tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo "không tô hồng, cũng không bôi đen". Nhấn mạnh quan điểm này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, bên cạnh những mảng sáng, thì đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã gây ra tâm trạng hoang mang, lo lắng, bất an cho một bộ phận người dân, doanh nghiệp, thể hiện rõ nhất là tình trạng chống người thi hành công vụ hay tình trạng phải vào tận nhà cưỡng chế người mắc bệnh Covid-19 đi cách ly…

Bên cạnh đó, cũng còn sự lúng túng, bỡ ngỡ trong công tác chỉ đạo, phòng chống dịch đã được báo chí chỉ ra như câu chuyện bánh mỳ không phải thực phẩm thiết yếu. Hay nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng người dân lao động từ vùng dịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê hương những ngày vừa qua… Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tất cả những vấn đề này, đều cần được phản ánh trong dự thảo Báo cáo, để thấy tâm trạng đó của người dân là có thật.

Khẩn trương xác lập trạng thái bình thường mới

Hệ lụy của đợt dịch lần thứ 4 đặt ra cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phải phản ánh được đầy đủ, chính xác những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn đời sống, để các cơ quan thấy được trách nhiệm của mình, và phải thấy rõ niềm tin, sự chia sẻ của cử tri, nhân dân đối với những khó khăn của đất nước. Tuy nhiên, như nhận xét của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo Báo cáo còn thiếu nội dung tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố nên dường như chưa bao quát được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân ở địa phương.

Thực tế qua theo dõi, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thẳng thắn, chiến lược chống dịch có nơi, có lúc còn bị động, nhất là khi thực hiện cách ly tập trung, thực hiện giãn cách xã hội. Do vậy, ông đề nghị, trong dự thảo Báo cáo cần bổ sung kiến nghị về việc xây dựng các giải pháp căn cơ, có tính lâu dài về chiến lược vaccine, thuốc chữa bệnh Covid-19, có quy định thống nhất về công tác phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng điều kiện và quy định cụ thể về việc mở cửa cho từng địa bàn, lĩnh vực với đối tượng cá nhân và tổ chức kinh tế. 

Một vấn đề được đặt ra và chắc chắn nhân dân cũng mong mỏi đó là khẩn trương xác lập, thống nhất trạng thái bình thường mới để phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống bình thường cho người dân. Xác định như thế nào để không có tình trạng mỗi địa phương lại khác nhau? Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dẫn chứng chính sách về giao thông, tỉnh này chặn, tỉnh kia mở, ngay cả hàng không, nếu Hà Nội không cho phép mở đường bay thì rất khó để khơi thông lại các đường bay. Rõ ràng, chính sách vĩ mô cần có sự chỉ đạo thống nhất, chứ mỗi nơi một kiểu dễ thành “ngăn sông, cấm chợ”.

Kết luận Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan để tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của người dân; giao Ban Dân nguyện phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để hoàn thiện Báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ký công điện gửi 63 Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước tổng hợp báo cáo kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp. Đồng thời, cần tham khảo thêm thông tin từ Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính xã hội, phương tiện thông tin đại chúng để có báo cáo xác thực, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Anh Thảo