Phạm vi lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm quá rộng dễ dẫn đến dàn trải và hình thức

Minh Vân lược ghi 10/11/2012 16:57

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để tránh dàn trải, hình thức. Mức độ tín nhiệm cũng nên chia thành hai mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.

ĐBQH Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang): Thời điểm bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ là chưa thích hợp
 
Theo tôi, phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm như dự thảo Nghị quyết là quá rộng với quá nhiều chức danh và đa số là thành viên kiêm nhiệm. Nếu thực hiện theo diện rộng như vậy sẽ rất dàn trải, dẫn đến hình thức, không cần thiết. Do vậy, tôi đề nghị bỏ Khoản 2, Khoản 4, Điều 5 không lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó chủ tịch, các Ủy viên của Hội đồng Dân tộc, các Phó chủ nhiệm, các Ủy viên các Ủy ban của QH và các Phó trưởng Ban, Ủy viên các HĐND. Chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu, phê chuẩn được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết.

Về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, tôi nhận thấy việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao của QH đối với việc thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của mình được nhân dân giao phó. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ là chưa thích hợp. Bởi lẽ, thời gian từ khi được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất cho đến kỳ họp đầu năm của năm thứ hai, tức là kỳ họp thứ ba, là quá ngắn để người được lấy phiếu tín nhiệm thể hiện được năng lực trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của QH cũng như báo cáo công tác của UBND, HĐND vào kỳ họp đầu năm của mỗi năm chỉ là đánh giá ước lượng tình hình hoạt động trong những tháng đầu năm, chưa phản ánh được chính xác hiệu quả hoạt động trong cả năm. Do đó, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm tại kỳ họp đầu năm sẽ dễ mang tính hình thức, không đạt được kết quả nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, HĐND như mục đích ban đầu của việc ban hành nghị quyết. Tôi đề nghị bỏ Khoản 2 Điều 7 và quy định lại tại Điều 7 như sau: QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm tại kỳ họp cuối năm, kể từ năm thứ 2, thứ 3, thứ 4 của nhiệm kỳ, tức là lấy phiếu tín nhiệm 3 lần một nhiệm kỳ.

Đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm quy định tại Điều 8 của dự thảo Nghị quyết, tại Khoản 4 quy định cụ thể về các mức độ tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp và ý kiến khác theo như báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH. Tôi cho rằng quy định ý kiến khác chưa phù hợp vì quy định này có thể dẫn đến trường hợp không thể đánh giá một cách chính xác và khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, khi số phiếu tín nhiệm đánh giá ý kiến khác đạt quá cao. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét bỏ quy định thực hiện đối với loại phiếu ý kiến khác. Đồng thời đề nghị xem xét bổ sung cụ thể mức tỷ lệ phần trăm trên tổng số phiếu để đánh giá từng mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm vì quy định định tính về các mức độ tín nhiệm cao, trung bình, thấp là quá chung chung, khó thực thi và sẽ dẫn đến tình trạng mỗi địa phương thực hiện với tỷ lệ đánh giá mức độ tín nhiệm khác nhau, không bảo đảm tính thống nhất chung trong cả nước, làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của việc lấy phiếu tín nhiệm.
 
ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Quyền đề xuất của ĐBQH rất quan trọng
 
Tên của Nghị quyết cũng như nội hàm của các quy định có 2 thuật ngữ cần phải trao đổi: một là lấy phiếu tín nhiệm; hai là bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là một thuật ngữ được dùng trong nghị quyết của Trung ương, còn bỏ phiếu tín nhiệm là một thuật ngữ được dùng trong Hiến pháp mà Hiến pháp lại cụ thể hóa cương lĩnh. Vì thế khi xây dựng nghị quyết chúng ta lại đặt tên là nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và coi việc lấy phiếu tín nhiệm là một bước, bỏ phiếu tín nhiệm là một bước khác. Không biết như vậy có đúng hay không. Quan điểm của tôi là lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiến tín nhiệm thực chất bản chất cũng là một vấn đề. Chúng ta hiểu rộng là bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp, là bước cao nhất, bước cuối cùng trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm như Văn kiện của Trung ương đã ghi. Nếu không chỉ hiểu Nghị quyết Đảng chỉ nói đến bước thứ nhất là lấy phiếu tín nhiệm, chẻ chữ ra là như vậy. Nhưng tôi không hiểu máy móc như vậy, chúng ta hiểu thống nhất lấy phiến tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Bước lấy phiếu tín nhiệm ở trong này, tôi hiểu là bước thăm dò tín nhiệm và qua thăm dò tín nhiệm đến bước thứ hai là bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy, mới hiểu thống nhất được là chủ trương của Đảng và quyết định của Hiến pháp là thống nhất với nhau, chứ không tách rời hai bước này khác nhau.

Về đối tượng, tôi tán thành phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải được. Hôm qua, khi bàn về kê khai tài sản rất dàn trải, đầu tư cũng dàn trải, rồi bỏ phiếu tín nhiệm của dàn trải thế này thì không tập trung được, không có trọng tâm, trọng điểm, không có tác động mạnh. Cho nên tôi đề nghị phải có trọng tâm, trọng điểm.

Tôi có xem lại Tờ trình của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 2001, đó là QH bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức một số chức danh chủ chốt, vì thế sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt này, vì những người này chịu trách nhiệm và báo cáo công tác cho QH. Phải xem lại tinh thần của sửa đổi Hiến pháp năm 2001 để hiểu Khoản 7, Điều 84 nói về các chức danh gì. Nếu hiểu rộng thì bản thân thành viên Hội đồng quốc phòng an ninh cũng phải lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các chức danh khác. Phải hiểu tinh thần của Hiến pháp, không chỉ hiểu một từ cụ thể của Hiến pháp, hiểu việc sửa đổi, bổ sung năm 2001 định nói đến ai, chính là các chức danh chủ chốt và những người chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước QH, thậm chí những người này chịu sự chất vấn của QH. Vì thế đề nghị cân nhắc về khái niệm cán bộ chủ chốt.

Về quyền của ĐBQH, trong này tôi thấy chưa đề cập đến quyền quan trọng nhất là quyền đề xuất của từng ĐBQH. Ở đây chúng ta nói 20 ĐBQH thì mới đưa ra QH, như thế đúng; UBTVQH  đề nghị, cũng đúng. Vậy, từng ĐBQH sau khi tiếp xúc cử tri, sau khi giám sát, sau khi chất vấn có quyền đề xuất với QH xem xét đề xuất với UBTVQH xem xét tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm hay lấy phiếu tín nhiệm hay bãi miễn một chức vụ nào đấy có được không thì trong này chưa đề cập. Thực tiễn những nhiệm kỳ vừa rồi đã xuất hiện đề xuất này. Các ĐBQH sau khi chất vấn xong thì đề xuất, sau đó UBTVQH họp bàn và báo cáo với QH vấn đề này chưa tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Quyền quan trọng nhất của từng ĐBQH có quyền trình dự án luật, có quyền đề xuất về nhân sự, mỗi đại biểu đều có quyền đề xuất thông qua nhiệm vụ của mình được cử tri ủy nhiệm. Tôi đề nghị phải bổ sung quyền đề xuất của từng ĐBQH, nhưng sau khi đề xuất ta có nguyên tắc tập trung dân chủ, một cơ chế để UBTVQH xem xét đề xuất đó, cân nhắc toàn diện để quyết định có đưa ra hay không.
 
ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần thực hiện "ba đúng"
 
Điều 2, mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi đề nghị cần thiết kế thêm ngoài các khoản đã nêu thì mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là thể hiện tính đoàn kết giúp đỡ, đóng góp trong nội bộ với tinh thần xây dựng cùng tiến bộ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, không được lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với mục đích cá nhân, trục lợi và cũng làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ quy hoạch đề bạt cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được công khai, minh bạch.

Tại Khoản 4, căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, ngoài hai khoản đã ghi, tôi đề nghị bổ sung: ngoài trách nhiệm bản thân phải lãnh đạo gia đình và người thân, không được lợi dụng sự ảnh hưởng của cá nhân để trục lợi, phải chấp hành nhiệm vụ nơi cư trú và đã bị một trong các hình thức kỷ luật Đảng cũng phải cần được xem xét.

Điều 5, phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Cơ bản tôi nhất trí như dự thảo là tất cả các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đều được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, vì điều đó đã quy định trong Hiến pháp. Nhưng tôi đề nghị, Thường vụ Quốc hội cần xem xét trong quá trình mới đi vào thực hiện. Trước hết chỉ nên thực hiện ở mức độ đối với QH chỉ ở chức vụ quy định tại Khoản 1, Điều 5. Đối với HĐND cũng chỉ áp dụng đối với chức vụ tại Khoản 3, Điều 5 của dự thảo Nghị quyết vì đây là những người phải chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước QH, HĐND. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này nhằm làm rõ thêm trách nhiệm cá nhân của mỗi chức danh nêu trên trước QH, HĐND. Cũng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước. Còn các đối tượng còn lại tại Khoản 2 ở QH, Khoản 4 ở HĐND tôi đề nghị có lộ trình sau đó thời gian thực hiện Nghị quyết có đánh giá rút kinh nghiệm và mở rộng theo quy định.

Điều 8, Khoản 4 trên phiếu tín nhiệm thể hiện 4 mức độ tôi nhất trí, tôi đề nghị với 4 mức độ như sau: một, tín nhiệm cao; hai, tín nhiệm trung bình; ba, tín nhiệm thấp; bốn, không tín nhiệm thay cho mức chưa có ý kiến. Vì mỗi ĐBQH, HĐND do nhân dân bầu là người đại diện cho nhân dân thực hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đứng trước việc phải thể hiện trách nhiệm dân chủ đại diện cho nhân dân mà không có chính kiến thì cũng cần nên được xem xét. Tôi đề nghị dự thảo Nghị quyết cũng cần nghiên cứu thiết kế thêm một điều cấm đó là nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc thực hiện nghị quyết này để vận động lôi kéo bè phái cục bộ, lợi ích nhóm để hạ bệ triệt tiêu lẫn nhau vì mục đích cá nhân.

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên như cơm phải ăn, nước phải uống để nuôi sống một cơ thể người. Cũng nhằm mục đích nhắc nhở mỗi chức danh được giao, được bầu cần phải được kiểm tra đánh giá, việc đó đã làm chưa? Làm đến đâu? Cũng như con người ta có ăn đúng bữa, đúng giờ và đúng tiêu chuẩn không? Không được lợi dụng cơm phải ăn, nước phải uống mà dẫn đến bội thực hay chỉ là thức ăn uống qua loa cho xong việc. Mỗi việc làm nào cũng phải được ngang sức, ngang tầm, có trách nhiệm và phải biết tự điều chỉnh kịp thời. Và với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên, cần thực hiện "ba đúng", đó là: một, đúng đối tượng; hai, đúng quy trình; ba, đúng chất lượng. Nếu qua lấy phiếu tín nhiệm đạt mức độ thấp, chậm khắc phục, không sửa chữa cũng đồng nghĩa với việc không còn đủ sức khỏe, mặc nhầm áo, hãy khuyên họ tự xem lại sức khỏe, trả lại áo đó là văn hóa từ chức. Nếu họ không dám từ chức, có nghĩa là sức khỏe đã trầm trọng hơn, áo mặc càng lệch xệch hơn thì người có trách nhiệm là đại biểu dân cử đã bầu hoặc phê chuẩn họ phải giúp họ lột trả đi chiếc áo vay mượn ấy, lệch xệch ấy, giúp họ trị bệnh kịp thời…
 
ĐBQH Phạm Văn Tam (Hà Nam): Quy định chặt chẽ việc xem xét, xử lý kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
 
Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm của cán bộ, thực chất hai tiêu chí nêu ở Điều 4 của Nghị quyết là tài và đức của cán bộ, nhưng tài và đức đó cần được cụ thể hóa ở từng loại hình cán bộ với các cấp độ khác nhau và đặc biệt phải có nhiều kênh thông tin khách quan đầy đủ chính xác để người có quyền đánh giá cán bộ có quyết định chính xác, tránh rơi vào tình trạng cảm tính, thể hiện chính kiến của mình không có cơ sở theo khách quan. Thông tin này cần được cơ quan quản lý đối tượng cán bộ cung cấp và cơ quan chịu sự điều hành quản lý của người cán bộ, phản hồi đầy đủ đến ĐBQH, HĐND bằng các văn bản có trách nhiệm trước các kỳ họp. Một căn cứ nữa cũng rất quan trọng và cần thiết đó là dư luận xã hội đối với nhiệm vụ cán bộ thực thi trong thực tiễn với quyền hạn và trách nhiệm của mình.

Hai, về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, đối tượng như Nghị quyết xác định là đầy đủ theo luật định nhưng có một số cán bộ thuộc nhóm có chức danh là ủy viên HĐND, ủy viên các Ủy ban của QH, các Ban của HĐND. Theo tôi chưa hoặc không nên lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đối với nhóm cán bộ thuộc chức danh này vì hầu hết đều làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, hoạt động không liên tục trên cương vị do QH, HĐND giao cho. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở phạm vi hẹp, không đủ cơ sở để QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, trong khi đó, có một số cán bộ thuộc nhóm các chức danh là giám đốc các sở, ngành các tỉnh, trưởng các phòng, ban cấp huyện, trưởng ngành các xã không thuộc HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn nhưng lại rất quan trọng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH địa phương, liên quan trực tiếp, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân lại không được lấy và bỏ phiếu tín nhiệm. Do vậy, đề nghị QH nghiên cứu, có hướng giải quyết phù hợp đối với đối tượng này. Có thể cứ để HĐND lấy phiếu tín nhiệm rồi chuyển kết quả cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá và quyết định. Nếu không họ sẽ không chịu trách nhiệm gì về nhiệm vụ của họ trước nhân dân.

Ba, về nội dung quy trình lấy phiếu tín nhiệm. Mức độ tín nhiệm được thể hiện 4 mức trên phiếu như trong Khoản 4 Điều 8 Nghị quyết để người bầu thể hiện chính kiến của mình tôi thấy không hợp lý vì tín nhiệm cao hay thấp được thể hiện ở tỷ lệ số phiếu đánh giá của tổng số đại biểu được lấy phiếu chứ không phải do chất lượng tín nhiệm mà phiếu đã xác định trước theo các mức định sẵn. Mức độ chưa có ý kiến là không nên vì đã là ĐBQH, đại biểu HĐND với trách nhiệm chính trị cao của mình trước cử tri bầu ra thì không nên tự mình đánh mất quyền quyết định mà cử tri tin tưởng trao cho, là đại diện hợp pháp được pháp luật quy định.

Bốn, về xử lý kết quả lấy và bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến sinh mệnh chính trị của người cán bộ, đồng thời liên quan đến sự ổn định của bộ máy, sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Hơn nữa, là người cán bộ trong hệ thống chính trị, dù ở cương vị nào đều chịu sự quản lý, điều hành của cả hệ thống các chế định chặt chẽ của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, tôi đề nghị khi xem xét, xử lý kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cần được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn với mục đích cuối cùng là lựa chọn, động viên, khích lệ các cán bộ tốt phấn khởi, yên tâm, dũng cảm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình được phân công nhưng dồng thời cũng nhắc nhở, phê phán, thậm chí loại khỏi bộ máy cán bộ yếu kém, không còn uy tín để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy công quyền vì dân. Tránh được tư tưởng giữ mình trước khi bầu cử còn sau đó làm gì, làm như thế nào không cần quan tâm vì chẳng có gì làm thay đổi được vị trí được đảm nhiệm, đã được khẳng định qua kết quả bầu cử.
 
ĐBQH A Nhin (Gia Lai): Với người được đảm nhiệm hai chức danh bầu tại kỳ họp QH thì xử lý thế nào?
 
Tôi nhất trí với Tờ trình của UBTVQH về các chức danh QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết, tổng số là 49 người bao gồm Chủ tịch QH, các Phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH và các thành viên khác của UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, trong 49 người QH lấy phiếu tín nhiệm, theo dự thảo Nghị quyết, có một số trường hợp có một người đảm nhiệm hai chức danh bầu tại mỗi kỳ họp QH là chức danh Ủy viên UBTVQH  và một trong các chức danh Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của QH. Những người này sẽ giữ hai chức danh, trong đó Tờ trình của UBTVQH chỉ đề cập đến một chức danh. Nếu quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với một chức danh thì chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ vấn đề này.

Đối với các chức danh của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, tôi thống nhất lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó chủ tịch, Phó chủ nhiệm và các Ủy viên Thường trực, đặc biệt là chuyên trách. Đặc biệt, tôi đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên khác của Hội đồng Dân tộc và các ủy viên của ủy ban vì diện lấy phiếu tín nhiệm như dự thảo là quá rộng, không cần thiết, sẽ dàn trải dẫn đến hình thức có tác dụng thấp.

Tương tự, tôi thống nhất với quy định về HĐND các cấp thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp mình bầu tại Khoản 3, Điều 5 dự thảo Nghị quyết bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND, Trưởng ban HĐND, Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND là phù hợp. Đề nghị bổ sung lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó ban của HĐND hoạt động chuyên trách nhằm bảo đảm phù hợp thực tế tổ chức hoạt động của HĐND hiện nay. Đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên trong các Ban của HĐND. Bên cạnh đó đề nghị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp vì đây là những cơ quan tham mưu giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước, có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị ở địa phương và có chức năng giải quyết công việc của cá nhân, của tổ chức. Tuy các chức danh này không do HĐND xong việc lấy phiếu tín nhiệm rất cần thiết nhằm đánh giá kịp thời kết quả xử lý trong quá trình lãnh đạo, điều hành và nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hầu hết người đứng đầu các cơ quan chuyên môn không phải là thành viên của Ủy ban do HĐND bầu, do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan lấy phiếu tín nhiệm… Tôi cũng băn khoăn là hiện nay đối với các địa phương thực hiện việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì lấy tín nhiệm như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, căn cứ vào phạm vi điều chỉnh như trên tôi đề nghị tên nghị quyết là Nghị quyết Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong cơ quan nhà nước.
 
Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, nội dung ghi trên phiếu tín nhiệm tôi đề nghị thể hiện 3 mức độ bao gồm: tín nhiệm cao; tín nhiệm trung bình; tín nhiệm thấp, bỏ nội dung “chưa có ý kiến” ĐBQH và HĐND là người đại diện cho nhân dân phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của những người đảm nhiệm chức vụ trong bộ máy nhà nước; cần có đánh giá khách quan toàn diện cụ thể về thể hiện chính kiến rõ ràng đối với kết quả hoạt động của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Nếu để nội dung chưa có ý kiến trên phiếu sẽ dẫn đến tình trạng không rõ trách nhiệm trong việc nhận xét, đánh giá đối với những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
 
ĐBQH Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên): Việc lấy phiếu tín nhiệm là sinh mệnh chính trị…
 
Phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại Điều 5, theo tôi quy định mở ra đến ủy viên của các Ủy ban của QH và các Ban HĐND là quá rộng, quá dàn trải và dễ dẫn đến hình thức. Bởi vì theo căn cứ để lấy tín nhiệm quy định tại Điều 4 là việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối với thành viên kiêm nhiệm của Ủy ban thì việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao ở đây là nhiệm vụ của một ĐBQH với tư cách là thành viên ủy ban hay có xem xét việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao ở nơi cơ quan mà đại biểu đang công tác và công việc của Đoàn ĐBQH tỉnh hay không. Theo tôi hiểu thì chức trách, nhiệm vụ chính được giao ở đây là việc thực hiện nhiệm vụ với vai trò là ĐBQH là thành viên ủy ban. Nhưng bởi vì đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm cho nên phải vừa làm việc chuyên môn ở cơ quan, vừa tham gia công tác của đoàn là tham gia hoạt động của ủy ban như vậy có những lúc lịch công việc trùng nhau thì chắc chắn việc tham gia hoạt động của ủy ban sẽ không được thường xuyên. Như vậy, mặc dù đại biểu đó có hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan đơn vị mình nhưng không thường xuyên tham gia hoạt động của ủy ban thì có bị bỏ phiếu không tín nhiệm hoặc tín nhiệm thấp hay không. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm với các đối tượng này là hình thức, tốn kém và không hiệu quả, nên cân nhắc vấn đề này.

Đối với 49 người do QH lấy phiếu tín nhiệm, theo tôi phải cân nhắc kỹ bởi vì theo Khoản 4, Điều 6 quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm tự nhận xét báo cáo trung thực kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc rèn luyện tư tưởng chính trị đạo đức lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung người tham gia lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu. Như vậy 49 người đó QH sẽ họp trong bao nhiêu ngày. Việc lấy phiếu tín nhiệm này là sinh mệnh chính trị chứ đâu phải việc đơn giản vì vậy phải có thời gian để báo cáo hoạt động và có thời gian để đại biểu yêu cầu phải cung cấp những gì chưa rõ. Đây là Nghị quyết cho nên khi làm thí điểm chỉ tập trung ở một số chức danh chủ chốt như Chủ tịch, Phó chủ tịch Nước; Chủ tịch, Phó chủ tịch QH; Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, còn những thành viên còn lại nên cân nhắc. Có thể sau khi thực hiện một thời gian ở một phạm vi hẹp sẽ tổng kết rút kinh nghiệm để điều chỉnh Nghị quyết, như vậy sẽ đỡ tốn kém và hiệu quả tốt hơn.

Về mức độ lấy phiếu tín nhiệm tại Khoản 4, Điều 8, giữa mức tín nhiệm cao với tín nhiệm trung bình, theo tôi không có cơ sở nào phân định giữa tín nhiệm cao và tín nhiệm trung bình. Hơn nữa, xét về mục đích lấy phiếu tín nhiệm cao hay tín nhiệm trung bình để làm gì vì xét đến cùng thì vẫn tiếp tục đảm đương công việc đang làm và không giải quyết được vấn đề công tác tổ chức cán bộ đặt ra. Cho nên tôi đề nghị mức độ tín nhiệm chỉ nên tín nhiệm thấp, không tín nhiệm và ý kiến khác. Khi đó hướng xử lý sẽ là những người lấy tín nhiệm mà có 2/3 tín nhiệm thì tốt thì phải tiếp tục phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Với những người 2/3 tín nhiệm thấp thì thực hiện quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hoặc động viên từ chức. Với những người có 2/3 đại biểu không tín nhiệm thì đề nghị QH phải bãi miễn ngay. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phạm vi lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm quá rộng dễ dẫn đến dàn trải và hình thức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO