75 năm thư Bác Hồ gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17.10.1945 – 17.10.2020)

“PHẢI YÊU DÂN, KÍNH DÂN THÌ DÂN MỚI YÊU TA, KÍNH TA”

- Thứ Bảy, 17/10/2020, 07:25 - Chia sẻ
Cách đây 75 năm, ngày 17.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” với những lời nhắn nhủ, nhắc nhở chính quyền địa phương phải yêu dân, kính dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. 75 năm trôi qua, bức thư của Người cho đến nay còn nguyên giá trị. Những lỗi lầm, khuyết điểm Người chỉ ra đã 2/3 thế kỷ nhưng vẫn còn đó, không chỉ để cho chính quyền địa phương mà tất cả cho các cơ quan trong hệ thống chính trị soi xét, tự vấn.

Phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi ra mắt quốc dân trong ngày Độc lập 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tiến hành nhiều hoạt động, ban hành các Sắc lệnh và văn bản pháp luật thể chế hóa 6 nhiệm vụ cấp bách được Chính phủ quyết định trong phiên họp đầu tiên ngày 3.9.1945 về chống nạn đói; chống nạn mù chữ; Tổng tuyển cử và soạn thảo Hiến pháp dân chủ; mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư tật xấu; cải cách chính sách thuế, bỏ ngay một số sắc thuế; ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.

Nơi tiếp dân và giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng

Cùng giai đoạn đó, UBND cách mạng các địa phương cũng được xác lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn cụ thể về cách tổ chức các UBND, xác định địa vị pháp lý của UBND là hình thức Chính phủ trong các địa phương. Chính quyền Nhân dân thời kỳ đầu dù mới thành lập nhưng hoạt động rất hiệu quả, làm việc theo một tinh thần mới phục vụ Nhân dân, có uy tín lớn trong Nhân dân. Tuy nhiên, Người cũng sớm nhìn thấy những mầm mống làm tha hóa quyền lực nhà nước bắt đầu xuất hiện. Ngày 17.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (Bức thư đăng trên Báo Cứu quốc số 69, ngày 17.10.1945) với những lời nhắn nhủ chính quyền phải yêu dân, kính dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Bức thư ngắn, nêu bật mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân, đồng thời, chỉ ra các lỗi lầm của cán bộ cần phải ra sức sửa chữa.

Phần đầu bức thư, Người nhấn mạnh nguyên nhân cách mạng thành công, đất nước giành được độc lập, tự do là “Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo”. “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.”. Người viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân...”. “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.”. Đó là một trong những tư tưởng chính trị chủ đạo về đạo đức cách mạng của Người trong tiến trình xây dựng nền dân chủ cộng hòa và Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Nghiêm khắc với những lầm lỗi để sửa chữa

Trong phần tiếp theo của bức thư, Người công khai lên án những “lầm lỗi rất nặng nề” mà cán bộ của các UBND đang mắc phải. Người chỉ rõ 6 “lầm lỗi chính” đó là: “Trái phép”, hành động trái pháp luật làm cho dân oán thán. “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”. “Hủ hóa - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ”… Thậm chí, lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”. “Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài…”. “Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau…”.  “Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên...”.

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Chính phủ lâm thời chỉ mới ra mắt quốc dân đồng bào 45 ngày lại dám thẳng thắn phê phán gay gắt như thế đối với những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ chính quyền. Người biết rất rõ rằng, đây là những lỗi lầm có hại cho dân, cần phải ra sức sửa chữa. Đặc biệt, sự phê phán không chỉ bằng văn thư hành chính nội bộ mà còn công khai lên báo chí công luận, như để tự phê bình, tự kiểm điểm trước Nhân dân. Trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài lúc bấy giờ, đó là hành động vô cùng dũng cảm chỉ có được ở một Chính phủ vì dân, tin dân, kính trọng dân, thể hiện sự cầu thị xây dựng, hun đúc lòng tin của Nhân dân với Nhà nước.

Với tấm lòng cao cả, bao dung, cuối bức thư, Người ân cần và kiên quyết: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm qua, chính quyền địa phương các cấp đã ra sức thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư; làm công bộc của dân, một lòng một dạ, tận tụy phục vụ Nhân dân. Rất tiếc, vẫn còn có người sợ rằng công khai khuyết điểm sẽ bị kẻ địch lợi dụng. Ở diễn đàn Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu cũng tranh luận thẳng thắn cho rằng, nếu mình làm đúng thì kẻ địch không thể lợi dụng; không mượn “bóng ma của các thế lực thù địch để công kích những người góp ý cho mình dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử. 

75 năm trôi qua, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay còn nguyên giá trị. Những lỗi lầm, khuyết điểm Người chỉ ra đã 2/3 thế kỷ nhưng vẫn còn đó, không chỉ để cho chính quyền địa phương mà tất cả cho các cơ quan trong hệ thống chính trị soi xét, tự vấn. Thực tế, đã có nhiều cán bộ phạm những lỗi lầm nghiêm trọng hơn, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân, đã bị xử lý kỷ luật, truy tố trước pháp luật như vừa qua là một minh chứng và bài học về công tác cán bộ.

Cuối bức thư, Người ân cần: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ "công bình, chính trực" vào lòng. Mong các bạn tiến bộ.”. Âu đó cũng là lời căn dặn của Người đối với cán bộ, công chức ngày nay, phải coi trọng kỷ cương, phép nước, tu dưỡng, rèn luyện, thắng “giặc ở trong lòng”, thiết thực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

ThS.Nguyễn Vân Hậu