Phải xây dựng căn cứ, luận cứ khoa học chắc chắn

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:47 - Chia sẻ
Tốc độ thay đổi hiện nay của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể nói là diễn ra vô cùng chóng mặt, từ sụt lún, tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước trên thượng nguồn… Trước những vấn đề phức tạp đó, theo ý kiến chuyên gia tại Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” do Báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức, quy hoạch Vùng phải xây dựng căn cứ, luận cứ khoa học chắc chắn về những gì đang xảy ra; đồng thời phải theo cơ chế thị trường.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường:  Phải dựa vào yếu tố tự nhiên

Để trả lời câu hỏi tích hợp như thế nào trong một bản kế hoạch chung, điều đầu tiên tôi cho rằng bất kỳ một bản quy hoạch nào cũng phải dựa trên yếu tố tự nhiên. Đó là tiền đề cho tất cả hoạt động quy hoạch. Do đó, phải rà soát và làm rất kỹ. Trong điều kiện tự nhiên, cũng phải xét đến sự biến đổi khí hậu, vì vậy chúng ta phải xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu thật chi tiết và tỉ mỉ.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” 

Bên cạnh đó, cũng cần dựa trên thực trạng phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ, bên này trồng lúa, bên kia lại nuôi tôm thì phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Rõ ràng là ở đây cần xem lại tất cả các yếu tố liên quan đến hạ tầng. Có rất nhiều sự khác biệt giữa kinh tế tập trung và kinh tế thị trường. Nước ta vừa bắt đầu thực hiện các cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), cho nên phải đẩy mạnh công tác dự báo, định hướng như thế nào, phát triển ra sao. ĐBSCL nằm ở vị trí trung tâm rất quan trọng, nên phải có tầm nhìn mới về vấn đề này. Ngoài kinh tế, quy hoạch còn cần tích hợp với vấn đề an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, chú trọng đến vấn đề phân bố dân cư. ĐBSCL là một vùng sông nước, cũng là vùng có chỉ số phát triển thấp, vì vậy cần phải tính đến phát triển lực lượng lao động trong tương lai. Phải có tính toán đầy đủ cũng như sự liên kết vùng.

PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường:  Không thể “dàn hàng ngang” tất cả quy hoạch

Quy hoạch tích hợp bao giờ cũng phải dựa trên đánh giá thực tiễn cùng với dự báo tương lai thì chúng ta mới quy hoạch thành công. Trên cơ sở thực tiễn và cơ sở dự báo tổng thể xã hội, tự nhiên, phải đặt ra được mục tiêu quy hoạch vùng phải đạt cái gì. Ví dụ, ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước, tới đây phải chiếm 56% hay tăng hơn nữa, chất lượng sẽ thế nào, cá ra sao... phải trên cơ sở thực tiễn và đánh giá quy hoạch cần phải có mục tiêu cụ thể.

phát biểu tại Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” 
PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” 

Tiếp đó, phải dự báo tổng thể về xã hội từ địa lý, dân số, mức độ phát triển xã hội sẽ thế nào, từ đó đánh giá và có phương pháp “chống đỡ” ngay trong quy hoạch. Trong quy hoạch ĐBSCL có rất nhiều quy hoạch nhỏ, chi tiết từ quy hoạch năng lượng, thuỷ lợi, đất đai, quy hoạch nước..., cho nên không thể “dàn hàng ngang” tất cả các quy hoạch mà phải chọn ra vấn đề trọng điểm để giải quyết.

Mặt khác, trên cơ sở quy hoạch hiện tại, các tỉnh thành nên rà soát lại quy hoạch của địa phương mình xem vấn đề nào phù hợp mục tiêu chung, vấn đề nào chưa thích hợp thì loại trừ. Đặc biệt, về ban quản lý sông, lưu vực sông hiện tại rõ ràng vẫn chưa phát huy hiệu quả, cần đặt vấn đề quản lý thế nào để bộ máy không bị phình ra.

TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp:  Xác định được các nhân tố chính

Hàng ngày, hàng giờ, ĐBSCL đang phải đương đầu với hàng loạt thách thức và cũng mở ra hàng loạt các cơ hội mới. Tốc độ thay đổi hiện nay của ĐBSCL có thể nói là diễn ra vô cùng chóng mặt. Ít có địa phương nào phải đương đầu trực tiếp về tốc độ sụt lún, tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước trên thượng nguồn… Đây không còn là vấn đề tương lai nữa, cộng thêm biến đổi khí hậu, thì chắc chắn tần suất, quy mô bị ảnh hưởng tiêu cực sẽ tăng nhiều. Vậy, chúng ta đặt việc quy hoạch trên những nền tảng nào?

phát biểu tại Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” 
TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp phát biểu tại Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” 

Thứ nhất, trước những vấn đề phức tạp đó, quy hoạch phải xây dựng căn cứ, luận cứ khoa học chắc chắn về những gì đang xảy ra. Việc “vắng lũ” trong nhiều năm sẽ xử lý như thế nào? Hay vấn đề sụt lún, 70 - 80% vật liệu phù sa đang bị trôi mất, tốc độ dòng chảy liên tục tăng phải xử lý ra sao? ĐBSCL là địa phương duy nhất trên cả nước di cư thuần âm (xuất cư cao hơn nhập cư), lao động bị chảy ra ngoài, việc này liệu có tiếp diễn trong tương lai hay không, làm thế nào ngăn chặn nó? Để giải quyết những vấn đề này chúng ta phải có nghiên cứu cụ thể. Rất may mắn, việc quy hoạch này được dựa trên rất nhiều nền tảng quy hoạch khác. Năm 1990 - 1993, đoàn quy hoạch ĐBSCL đã tiến hành quy hoạch. Năm 2013 có kế hoạch phát triển toàn diện ĐBSCL do chuyên gia Hà Lan thực hiện. Mô hình thủy lực, mô hình dòng chảy, các vấn đề về lũ… phải được “mô hình hóa”, hay như chúng ta thường nói là phải có kịch bản khí hậu.

Thứ hai, quy hoạch theo cơ chế thị trường. Hiện nay không chỉ biến động về thị trường, còn biến động về khoa học - công nghệ, biến đổi khí hậu, cho nên khi quy hoạch phải xác định được các nhân tố chính. Tôi không cho rằng chúng ta phải tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, chúng ta phải làm rõ nhu cầu cân đối thị trường trong nước trong 30 năm, trong 10 năm nữa là bao nhiêu và khả năng thế giới nhập khẩu của chúng ta là bao nhiêu. Cân đối giữa trữ lượng cho phép đánh bắt thủy sản hiện nay trên biển và bảo tồn, cân đối giữa cây trồng ngọt và nuôi trồng thủy sản mặn. Cân đối về lao động, nếu không có quy hoạch về lao động thì đồng bào ĐBSCL còn tiếp tục di cư như hiện nay thì xã hội sẽ bất ổn.

Thảo Tâm