Phải vì lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng
Theo các chuyên gia, việc ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần vì lợi ích quốc gia - tức là bảo đảm an ninh năng lượng và nhiên liệu); vì lợi ích doanh nghiệp - tức là bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; và vì lợi ích người tiêu dùng - tức là giá cả hợp lý và chất lượng tốt.
Bảo đảm công khai, minh bạch
Ngày 14.5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Tại đây, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, Bộ Công thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu để thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Nội dung được sửa đổi, bổ sung lần này là về nguyên tắc điều hành, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu; giá bán xăng dầu tối đa; quỹ bình ổn giá xăng dầu; hệ thống kinh doanh xăng dầu; tỷ lệ sở hữu vật chất kinh doanh; điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh (kinh nghiệm, năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu, kho chứa);…
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu không chỉ tác động đến cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tác động đến nhiều ngành khác. Vì vậy, quá trình sửa đổi cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo động lực thị trường; như vậy, Bộ Công thương cần lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, cần tạo động lực để người góp ý nói thẳng, nói thật... để xây dựng được những chính sách phù hợp nhất.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), đồng thời là Phó trưởng Ban soạn thảo Nghị định, cho biết, có 5 nguyên tắc trong quá trình xây dựng Nghị định; đó là bảo đảm hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Cùng với đó là giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Nghị định mới cũng sẽ kế thừa những quy định của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu.
Nhất trí với chủ trương ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Lập - Luật sư Điều hành cấp cao, Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự đề xuất, việc ban hành quy định pháp luật về xăng dầu cần vì lợi ích quốc gia (tức là bảo đảm an ninh năng lượng và nhiên liệu) và vì lợi ích doanh nghiệp (tức là bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ) và vì lợi ích người tiêu dùng (tức là có giá cả hợp lý và chất lượng tốt).
Tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu mới. Hiện đã có 4 Nghị định về điều kiện kinh doanh xăng dầu nhưng vẫn còn nhiều nội dung cần sửa đổi để phù hợp với tình hình hiện nay. “Thời gian qua, một lít xăng khi bán ra thị trường phải thực hiện quá nhiều mục tiêu. Nghị định mới cần lược bớt các quy định không cần thiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu không doanh nghiệp thực hiện dễ bị “bắt lỗi” bởi các cơ quan thanh tra, kiểm tra”, ông Khanh đề xuất.
Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn cho rằng, dự thảo Nghị định vẫn còn hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp phân phối và bán lẻ. Theo ông Hán, các quy định đưa vào dự thảo phải mở rộng quyền kinh doanh cho các đối tượng doanh nghiệp, tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, thực tế cho thấy, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch, tạo ra kẽ hở cho một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường…
Đặc biệt, thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước hiện có hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 doanh nghiệp phân phối và có sự tham gia của 2 nhà máy lọc dầu trong nước, nên nguồn cung bước đầu được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố, thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy, vai trò của Quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước đây; ông Long cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ Quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới; đồng thời tránh sự hoài nghi của dư luận xã hội trong việc quản lý và sử dụng Quỹ.