Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19

Phải tính cách thức hiệu quả nhất, khả thi nhất

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 06:39 - Chia sẻ
Tại phiên họp sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt ra nhiều yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi được ký ban hành cũng như trong quá trình thực hiện để bảo đảm hỗ trợ trúng đối tượng, đúng mục tiêu. Trong điều kiện nguồn lực đất nước còn khó khăn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu với cơ quan quản lý tài chính "phải tính cách thức hỗ trợ hiệu quả nhất, khả thi nhất".

Tập trung cho doanh nghiệp nhỏ, vừa

Để bảo đảm chính sách đúng đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước, bên cạnh tiêu chí để được miễn, giảm 30% thuế thu nhập phải nộp năm 2021 với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng (đã từng được áp dụng từ năm 2020), Chính phủ đề xuất bổ sung điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020. Điều kiện này được cho là sẽ giúp bảo đảm đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Việc xác định tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 sẽ không áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021 (do trường hợp này lấy tiêu chí tổng doanh thu năm 2020 để so sánh là không khả thi). 

Tuy nhiên, đặt vấn đề nên so sánh doanh thu của năm 2021 giảm so với năm 2020 hay năm 2019 - là năm chưa chịu tác động của dịch bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, năm 2020 doanh nghiệp đã chịu sự tác động của dịch bệnh Covid-19 và được hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, nếu so sánh doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020 tức là doanh nghiệp còn khó khăn hơn. Do đó, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần cân nhắc quy định theo hướng tính trên số doanh thu giảm so năm 2019, để có thể mở rộng hơn phạm vi các doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ chính sách này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với giải trình của Bộ Tài chính về việc tiếp tục áp dụng tiêu chí mức doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Bởi, doanh nghiệp có doanh thu trên mức này phần lớn thực hiện kinh doanh đa ngành và có lãi, cần có trách nhiệm đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Hỗ trợ được cho cả các doanh nghiệp này thì rất tốt, nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay, theo ông, chỉ nên tập trung cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, với mức tổng doanh thu dưới 200 tỷ đồng.

Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, dù có những chính sách khác đụng chạm đến doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất của dịch Covid-19,  kinh doanh lỗ, không có thu nhập chịu thuế, nhưng chưa thật rõ biện pháp hỗ trợ để họ tiếp tục duy trì kinh doanh, sản xuất. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát, đánh giá việc thụ hưởng chính sách hỗ trợ với những doanh nghiệp này, bảo đảm hỗ trợ đúng và trúng đối tượng hơn nữa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Hồ Long 

Hỗ trợ trúng đối tượng, đúng mục tiêu

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng của đại dịch, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị, Chính phủ khẩn trương nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý của ngành thuế, xác định rõ phạm vi đối tượng, lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, phù hợp với tình hình thực tiễn, làm cơ sở xây dựng khung chính sách đúng mục tiêu, trúng đối tượng. 

Tán thành với cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Tổng cục Thuế có hệ thống dữ liệu điện tử quản lý thuế được cập nhật từng ngày, từng giờ. Bộ Tài chính nói không bóc tách được đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh thì có đúng không? Theo đề xuất của Chính phủ, chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được áp dụng cho doanh nghiệp trên cả nước. Nhưng trên thực tế có những vùng, có những lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch này, thậm chí còn được hưởng lợi, có điều kiện để phát triển (như sản xuất khẩu trang, thiết bị, vật tư y tế, thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến...). Vậy có bóc tách được những doanh nghiệp này không? Hộ kinh doanh ở thành phố Chí Minh từ đầu năm đến giờ coi như chịu trận hết. Thành phố Hà Nội cơ bản cũng vậy. Nhưng có phải tỉnh, thành phố nào cũng bị như thế không? Đặt ra những câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thực hiện chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì cần được hỗ trợ nhiều hơn. 

Trong điều kiện nguồn lực của đất nước có hạn, điều khiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại là tình trạng đối tượng phải được thụ hưởng chính sách thì lại không được và ngược lại. Theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan chức năng cần cân nhắc thực hiện hỗ trợ có mục tiêu, tiếp tục giảm lãi suất cho một số lĩnh vực có chọn lọc chứ không đưa ra hỗ trợ tràn lan. 

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề xuất phương án tính toán để hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động nặng nề nhất, đến mức độ không có lợi nhuận, thậm chí là bị lỗ, không có tiền để nộp thuế. Tán thành đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thông lệ quốc tế và chính sách của nước ta đã có, tức là phương án hỗ trợ dựa trên chi phí thay vì dựa trên số thuế phải nộp, để hỗ trợ các doanh nghiệp không có lợi nhuận, trước hết là chi phí lao động, hỗ trợ đầu vào. Thế giới cũng áp dụng phổ biến hình thức này. Nhà nước chưa mất đồng nào mà chỉ là dồn thuế vào những kỳ sau, khi kinh tế phục hồi thì san sẻ cho lúc khó khăn. Cho rằng ngành thuế và Bộ Tài chính khi không nghiên cứu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, trong trường hợp Chính phủ không đề xuất thì các cơ quan Quốc hội có một sáng kiến lập pháp nào về vấn đề này không?

“Các đồng chí trình để Quốc hội xem xét quyết định chuyện này vào Kỳ họp tháng 10. Vấn đề này không chỉ cho năm 2021 mà còn có thể cho cả năm 2022 nữa. Một giải pháp rất hiệu quả, rất hiệu lực. Các doanh nghiệp bị tác động nặng nề nhất, không có lãi thì lấy gì mà được hưởng? Các đồng chí giảm đi 100% số thuế thì doanh nghiệp cũng chẳng được hưởng gì. Chúng ta phải suy nghĩ cách thức nào có hiệu quả nhất, khả thi nhất, kể cả chi, kể cả thu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu với cơ quan quản lý tài chính. 

Thanh Hải