Phải thu hồi tối đa tài sản tham nhũng

- Chủ Nhật, 01/11/2020, 08:22 - Chia sẻ
Để chống tham nhũng thành công, có 2 giải pháp cần phải làm tốt hơn, đó là kiểm soát kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã nhấn mạnh điều này tại buổi góp ý về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức mới đây.

Tham nhũng đã trở thành vấn đề gây bức xúc xã hội thời gian qua. Chỉ vì thiếu kiểm soát, một số lượng không nhỏ tài sản của Nhà nước đã “chảy” vào túi cá nhân bị thoái hóa biến chất. Tham nhũng đã làm “méo mó” quan hệ kinh tế - xã hội. Và hơn bao giờ hết, đây chính là vật cản đường cho sự phát triển, làm giảm uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vấn nạn này.

Chúng ta không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng loạt vụ án mà bị cáo từng là những người đã nắm những trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước. Những người mà có lẽ hơn ai hết hiểu rõ tác hại của vấn nạn này. Vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, với các vụ án liên quan đến tham nhũng, đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, và hiểu biết pháp luật nên việc xử lý không hề đơn giản. Một trong những điểm nghẽn lâu nay trong xử lý đối với các vụ án tham nhũng đó là thu hồi tài tham nhũng còn hạn chế.

Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV cho thấy, về thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng có 3.605 việc thi hành án xong, đạt tỷ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành, tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 43,42% số có khả năng thi hành, tăng 14,01% so với cùng kỳ năm 2019.

Không thể phủ nhận những nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua. Rõ ràng, so với cùng kỳ, tài sản thu hồi tham nhũng đã có “điểm sáng” nhưng số tài sản thu được so với tài sản phải thu hồi vẫn còn khá khiêm tốn. Điều này cho thấy, phần lớn tài sản nhà nước vẫn đang bị thất thoát chưa thể thu hồi.

Tại Kỳ họp thứ Mười, nhận định về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân rất quyết liệt trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về kinh tế và tham nhũng. Tuy vậy, công tác thi hành án, thu hồi tiền, tài sản thất thoát, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Bà Thủy cho biết, cử tri kiến nghị cần hoàn thiện chế tài ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt, tham nhũng mà có. Đặc biệt, kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý.

Thực tế cho thấy, quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ án tham nhũng thường diễn ra tương đối dài, trải qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng, giữa cơ quan điều tra với cơ quan giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ.

Việc phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan, hay xử lý vụ án kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến các đối tượng có thời gian để hợp pháp hóa tài sản bởi người thân, hay tẩu tán tài sản, gây khó cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của chúng ta thời gian qua còn hạn chế.

Mục đích cuối cùng trong xử lý vụ án tham nhũng là phải thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng. Bởi đây là những đồng tiền được tích lũy từ những đồng thuế của người dân, doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để không kéo dài việc xử lý. Cùng với đó, sớm có biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản, tránh tình trạng tham nhũng, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng nhưng việc truy tìm tài sản rất khó bởi người phải thi thành án không còn tài sản trực tiếp đứng tên.

Song Hà