Phải “thổi” được tinh thần đam mê đọc sách cho con em
Theo PHÓ CHỦ NHIỆM (PCN) ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ LÊ NHƯ TIẾN, việc công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, internet và điện thoại di động gõ cửa từng nhà và đến từng người, với nhiều chức năng, trong đó có cả chức năng nghe nhìn thì việc đọc sách cũng có những suy giảm, ảnh hưởng nhất định. Độc giả ít dần việc đọc sách truyền thống mà thay vào đó là tìm đến những ấn phẩm điện tử tiện dụng hơn. Đây là thách thức đối với văn hóa đọc. Tuy nhiên, không phải có internet, có truyền hình, có những phương tiện truyền thông khác mà văn hóa đọc bị triệt tiêu.

- Hưởng ứng chủ trương của UNESCO, Ngày đọc sách và bản quyền thế giới đã được tổ chức hàng năm tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, Ngày đọc sách đang dần trở thành một trong những hoạt động văn hóa thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia, thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Như Tiến: Hưởng ứng ngày sách theo phát động của UNESCO đã có rất nhiều cuộc trưng bày và giới thiệu sách được tổ chức, cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Đây là những hoạt động rất có ý nghĩa, khơi dậy văn hóa đọc cho mỗi người, bởi vì sách là sự hội tụ các tri thức, vừa là người bạn, người thầy cung cấp, bù lấp những mảng trống về kiến thức mà mỗi con người còn thiếu hụt. Kiến thức không phải bỗng chốc mà có, mà phải được tích lũy, đúc kết của nhiều người, qua hàng trăm năm, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, giữa quốc gia này sang quốc gia khác. Một cuốn sách hay không chỉ hạn chế trong một không gian hoặc thời gian nhất định mà sẽ vượt qua cả không gian, thời gian để sống cùng với nhân loại. Do vậy, khi tiếp cận với những cuốn sách như thế sẽ làm cho những tri thức, kiến thức về văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật đồi dào hơn. Nên việc văn hóa đọc trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia là một việc rất có ý nghĩa và cần duy trì thường xuyên.
- Có nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc sách truyền thống đang dần bị mai một, mà một trong những nguyên nhân là do công nghệ phát triển đã tác động không nhỏ đến thói quen này của không ít người. Quan điểm của Phó chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?
PCN Lê Như Tiến: Việc công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, internet và điện thoại di động gõ cửa từng nhà và xuất hiện trong từng người, với nhiều chức năng, trong đó có cả chức năng nghe nhìn thì việc đọc sách cũng có những suy giảm, ảnh hưởng nhất định. Độc giả ít dần việc đọc sách truyền thống mà thay vào đó là tìm đến những ấn phẩm điện tử tiện dụng hơn. Đây là thách thức đối với văn hóa đọc. Tuy nhiên, không phải có internet, có truyền hình, có những phương tiện truyền thông khác mà văn hóa đọc bị triệt tiêu. Hiện nay, vẫn có rất nhiều em học sinh ở các đô thị, thậm chí là ở các làng xã đến thư viện để đọc sách; hay nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn ngoài việc đọc sách, khai thác thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện điện tử vẫn sử dụng sách truyền thống như từ điển, bách khoa toàn thư, báo chí hàng ngày như các phương tiện cập nhật thông tin không thể thay thế. Tuy không loại trừ việc các phương tiện điện tử có ảnh hưởng phần nào đến văn hóa đọc hiện nay, nhưng không vì thế mà sách báo bị mất vai trò, mà sách báo vẫn còn có vai trò rất to lớn trong việc làm cho tri thức của nhân loại lan tỏa, làm cho kiến thức của mỗi người phong phú hơn.
- Nhìn ở một khía cạnh khác đó là chất lượng các sản phẩm văn hóa. Không thể phủ nhận là trong nhiều năm trở lại đây có rất ít các sản phẩm văn hóa đặc sắc thực sự thu hút được sự quan tâm của độc giả (ngoài số ít các tác phẩm được dịch). Điều này cũng là một tác nhân không nhỏ, thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Như Tiến: Trong những năm gần đây các nhà xuất bản gặp rất nhiều khó khăn, các đầu sách giảm đi đáng kể, sách hay dường như rất ít, các tác giả tên tuổi và lão thành ra đi ngày càng nhiều, trong khi các tác giả trẻ vẫn chưa khẳng định được vị thế của mình trong làng xuất bản. Độc giả không còn tâm lý đón đợi mỗi khi sách được xuất bản và phát hành như trước đây, các xuất bản phẩm phát hành không còn là món ăn tinh thần được chờ đợi, người đọc không tìm thấy những cuốn sách hay có thể truyền tay nhau đọc, ngoại trừ một số ít tác phẩm được dịch từ nước ngoài hoặc của các nhà văn nổi tiếng trong nước. Có thể thấy, việc số lượng đầu sách giảm, chất lượng sách kém không chỉ ảnh hưởng đến nhà xuất bản và cơ sở phát hành sách mà đây cũng chính là nguy cơ ảnh hưởng đến văn hóa đọc. Bên cạnh sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ, thì việc các xuất bản phẩm không hấp dẫn với độc giả, mà thay vào đó là những cuốn sách có chất lượng kém, chạy theo thị hiếu tầm thường, ít mang giá trị văn học, giá trị nhân loại, giá trị thời đại sâu sắc cũng có tác động không nhỏ đến văn hóa đọc hiện nay.
- Theo Phó chủ nhiệm, cần có biện pháp gì để duy trì và phát triển văn hóa đọc sách trong nhịp sống hiện đại, nhất là đối với giới trẻ, để đọc sách dần trở thành một nét văn hóa?
PCN Lê Như Tiến: Để tạo ra thói quen đọc sách, không khí đọc sách trong toàn xã hội, để đọc sách trở thành một nét văn hóa thì phải có sự chuyển động đồng bộ từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Trước hết, ở gia đình, phải “thổi” được tinh thần, đam mê đọc sách cho con em. Ở nhà trường cũng phải có tủ sách với những cuốn sách hay như truyện, sách khoa học, sách tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, thế giới con người… sao cho hàng trăm, hàng vạn câu hỏi còn thắc mắc mà qua sách có thể giải đáp được, góp phần bổ sung, lấp đầy kiến thức mà học sinh còn vơi hụt. Đồng thời, nhà trường cần phát động phong trào đọc sách như trao đổi, luân chuyển sách hay, bổ sung các tủ sách với nhiều đầu sách hấp dẫn, hoặc phát động các cuộc thi tìm hiểu về sách...
Hiện nay, ngoài các thư viện của các cơ sở đào tạo đại học có danh tiếng hoặc thư viện cấp tỉnh được đầu tư tương đối khá, còn các thư viện cấp huyện, đặc biệt là cấp xã, phường thì chỉ có tủ sách với một vài đầu sách ít được cập nhật, không phải là điểm đến của các đối tượng cần tìm đến sách như tìm đến một nguồn tri thức. Ngay cả đối với Quốc hội, dù đã trải qua hơn 65 năm hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được một thư viện tầm cỡ, tương xứng với hoạt động, để có thể là điểm đến hấp dẫn cho các ĐBQH và cán bộ, công chức phục vụ Quốc hội. Do vậy, trong thời gian tới, để duy trì và phát triển văn hóa đọc sách, các cấp, các ngành cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, tinh thần, đặc biệt là đầu tư cho thư viện. Hy vọng Pháp lệnh Thư viện hiện hành sẽ sớm được nâng lên thành Luật Thư viện để góp phần tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho ngành thư viện phát triển bền vững hơn đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thông tin, giải trí của nhân dân, đồng thời qua đó, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ có thể tìm đến với sách.
- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!