NÔNG SẢN THỰC PHẨM CHẤT LƯỢNG AN TOÀN

Phải thay đổi theo hướng hữu cơ – chế biến sâu

- Thứ Hai, 30/11/2020, 10:13 - Chia sẻ
Nhấn mạnh về phát triển cây ăn quả có múi tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sự phát triển quá “nóng” diện tích cây có múi trong thời gian qua đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, chế biến sâu, liên kết sản xuất theo chuỗi là biện pháp ưu tiên hàng đầu đối với cây ăn quả.

Diện tích trồng cây có múi tăng

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện diện tích cây ăn quả của Việt Nam có khoảng 1,1 triệu ha, với sản lượng khoảng 13-15 triệu tấn; trong đó cây có múi có khoảng 235.216 ha. Bưởi Đại Minh, tỉnh Yên Bái được các nhà khoa học đánh giá là một trong bẩy giống bưởi quí, thơm ngon nổi tiếng, xếp hạng 4 sao. Hiện nay, diện tích trồng bưởi Đại Minh toàn tỉnh là gần 700 ha, trong đó diện tích đã và đang cho trái đạt hơn 450 ha, năng suất 18-20 tấn/ha, sản lượng gần 100 nghìn tấn. Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, bưởi Đại Minh đã có mặt ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Yên, Việt Trì, Lào Cai...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm vùng trồng na hoàng hậu tỉnh Sơn La

Không chỉ ở Yên Bái, nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Cam Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Bắc Giang; bưởi Phú Thọ, Bắc Giang, Hoà Bình; quýt Bắc Kạn… Diện tích và sản lượng cây có múi cả nước tăng liên tục trong những năm gần đây. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2019 là 47,5 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, mặc dù mấy năm trở lại đây chất lượng sản phẩm cây có múi đã tăng đáng kể, nhưng tính cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Nguyên nhân, do sự phát triển quá “nóng” về diện tích trồng cây có múi, tình trạng giống kém chất lượng, lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chưa được phổ biến rộng rãi đã vô hình ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm… Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, đến nay, diện tích cam ở các tỉnh miền Bắc bị bệnh vàng lá thối rễ lên tới 1.416 ha, nhiễm nặng tới 53 ha, tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An,… Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu chủ do chủ vườn tự bán, ít có bàn tay của doanh nghiệp nên đầu ra cũng như khâu bảo quản gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn tham quan hội trợ giới thiệu bưởi Đại Minh đạt tiêu chuẩn 4 sao

Còn đó những nỗi lo

Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Võ Hữu Thoại cho rằng: Một trong những vấn đề tồn đọng lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến giá trị của trái cây Việt Nam là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Khâu này chủ yếu vẫn dùng biện pháp thủ công. Việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói bao bì, bảo quản không đúng cách dẫn đến tỷ lệ hư hỏng do dập nát, thối nhũn của trái cây rất cao (25 đến 30%). Sự kiểm soát nấm bệnh gây hại sau thu hoạch còn hạn chế và việc thu hoạch vận chuyển chưa cẩn thận dễ gây tổn thương, hư hỏng...

Là một trong những địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa tập trung quy mô lớn nhất miền Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cho biết, hiện nay Hòa Bình có khoảng 2.119 ha cây có múi được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ… với 38 cơ sở được chứng nhận; một chỉ dẫn địa lý; hai nhãn hiệu chứng nhận và bốn nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất cây có múi ở Hòa Bình còn nhiều bất cập cần sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Tình trạng buôn bán giống không rõ nguồn gốc; phát triển nóng diện tích ngoài quy hoạch; kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ; việc bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức; khó khăn trong hoạt động bảo quản, sơ chế, chế biến…

Liên quan đến vấn đề này, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận nhóm cây có múi đang tồn tại một số vấn đề về quy hoạch, liên kết sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu còn kém. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới cần rà soát lại tổng diện tích cây có múi để có quy hoạch phù hợp, trong đó chọn bộ giống tốt, chống chịu được bệnh và đảm bảo thâm canh là quan trọng. Đồng thời, các hộ phải thay đổi quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, trong đó, phải tăng cường khâu chế biến sâu, liên kết sản xuất theo chuỗi là biện pháp ưu tiên hàng đầu đối với cây ăn quả. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất cây có múi hiện đại, quan tâm xây dựng bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, chúng ta đã gia nhập Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), trong đó có 92 biểu thuế với nông sản là 0%. Vậy, người nông dân muốn sản phẩm của mình vào được thị trường này, phải đáp ứng tất cả tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, trong đó có giống, phân bón, nước tưới phải thay đổi theo hướng hữu cơ – chế biến sâu.

_________

Chuyên mục có sự phối hợp của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Nhật Anh