Phải thay đổi cơ bản về chất

- Thứ Năm, 15/10/2020, 05:40 - Chia sẻ

Chính phủ hiện đang hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia để báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Thực ra, cả hai chương trình này đều không phải là mới hoàn toàn. Nhiều năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Những kết quả đạt được từ hai Chương trình này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, miền núi, các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa và góp phần quan trọng cải thiện đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là người nghèo trên cả nước.

Theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 thì chỉ còn vài tháng nữa cả hai Chương trình này sẽ kết thúc. Việc Chính phủ tiếp tục đề xuất thực hiện hai Chương trình như đã nói ở trên chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội bởi các mục tiêu và kết quả cả hai Chương trình này trong giai đoạn 2016 - 2020 đều đang rất cần được tiếp nối, duy trì và phát triển hơn nữa. Tuy vậy, tiến độ chuẩn bị để trình các Chương trình này ra Quốc hội đang rất chậm.

Theo quy định của Luật Đầu tư công thì chậm nhất 60 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội, Chính phủ phải gửi hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia đến cơ quan chủ trì thẩm tra. Nhưng đến nay, khi chỉ còn 5 ngày nữa Quốc hội sẽ khai mạc Kỳ họp thứ Mười, Chính phủ vẫn chưa trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình này. Nếu không kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười tới thì chắc chắn sẽ phải chờ đến Kỳ họp giữa năm 2021.

Và như vậy, chúng ta sẽ lỡ mất nửa năm đến một năm để có thể triển khai thực hiện được hai chương trình này. Nhìn lại Nghị quyết số 100 của Quốc hội sẽ thấy lo ngại này là có căn cứ. Bởi dù Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua từ tháng 11.2015 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện ngay hai Chương trình mục tiêu quốc gia từ đầu năm 2016 nhưng việc tổ chức thực hiện hai Chương trình trên thực tế vẫn bị chậm trễ, lúng túng và gặp nhiều khó khăn ở một số nhiệm vụ cụ thể, trong đó có cả những nhiệm vụ cốt lõi như phân bổ nguồn lực đầu tư, rà soát, ban hành các văn bản quy phạm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức, đối tượng...

Vì thế, yêu cầu với Chính phủ là phải tăng tốc, quyết liệt thúc giục các cơ quan liên quan hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư hai Chương trình kể trên càng sớm càng tốt. Cùng với tiến độ thì còn nhiều vấn đề khác cũng phải được xử lý để bảo đảm hiệu quả của các Chương trình. Bởi nếu được Quốc hội thông qua thì giai đoạn 5 năm tới sẽ có 3 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện, bao gồm cả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021 - 2030 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua. Đã có những băn khoăn, e ngại nguy cơ trùng lặp giữa các chương trình, dự án thành phần của 3 Chương trình này.

Tuần trước, trong phiên họp thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát, xác định và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với khả năng huy động nguồn lực; rà soát xác định đối tượng, phạm vi, nội dung thực hiện để bảo đảm tính riêng biệt, không trùng lặp với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Như vậy, tuy là sự tiếp nối của hai Chương trình đang được thực hiện nhưng trong giai đoạn 2021 - 2025, cả hai Chương trình này chắc chắn phải có sự thay đổi cơ bản về chất. Phải rà soát, tính toán kỹ lưỡng về địa bàn, nội dung, đối tượng của từng Chương trình bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo, trùng lặp ngay từ khi xây dựng, quyết định chủ trương đầu tư, bảo đảm kế thừa và phát huy được tối đa những thành tựu đã đạt được của hai Chương trình trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời phải xử lý, khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chế đã bộc lộ rất rõ trong thực tiễn triển khai 2 Chương trình vừa qua.

Chúng ta đã tạm đi qua đại dịch Covid-19 nhưng nguồn lực quốc gia đã bị suy giảm do phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa bảo đảm duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục kinh tế. Vì thế, ở thời điểm này, việc tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, khoa học mục tiêu, nguồn lực, địa bàn, đối tượng thụ hưởng và lộ trình thực hiện như thế nào cũng sẽ quyết định đến sự thành công, hiệu quả của cả hai Chương trình trong cả giai đoạn 5 năm tới.

Hải Lam