Phải rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn và trách nhiệm của tổ chức công đoàn với thành viên

Minh Vân lược ghi 06/10/2011 09:25

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, trong lịch sử hình thành, công đoàn đã nỗ lực hành động để khẳng định uy tín, trách nhiệm với người lao động. Vì vậy, để người lao động gắn bó với công đoàn thì Luật phải làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn và trách nhiệm của tổ chức công đoàn với thành viên của mình; làm rõ chức năng của công đoàn trong việc chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động...

Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước: Công đoàn là tự thân của giai cấp công nhân

Về địa vị pháp lý của công đoàn tôi đồng tình phải bám vào tinh thần của Hiến pháp và nghị quyết của Trung ương xác định về vấn đề công đoàn trong giai cấp công nhân và người lao động. Nói về tiến trình lịch sử của giai cấp công nhân và công đoàn, công đoàn là tự thân của giai cấp công nhân, nó là một tổ chức gần như bắt buộc, ở đâu có công nhân thì ở đó có công đoàn, nó tỷ lệ thuận theo cái thuận của kinh tế thị trường. Qua quá trình phát triển và sự trưởng thành, giác ngộ của giai cấp công nhân Việt Nam có Đảng cộng sản và Đảng cộng sản giữ vai trò lãnh đạo. Bây giờ chúng ta xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một quy luật thông thường trong xã hội tư bản là có phong trào công nhân thì có công đoàn, ta đây là chủ nghĩa xã hội, Đảng cộng sản lãnh đạo, công nhân rất đông mà lại không có công đoàn? Có vấn đề gì ở đây? Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo toàn diện. Ở đây vướng mắc gì mà có những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn? Cái chính là phải có cơ chế luật pháp hướng tới làm sao tất cả các doanh nghiệp phải có công đoàn. Đó là nhiệm vụ khi sửa đổi này. Nếu cần làm thì phải làm chỗ này đầu tiên và tính khẳng định buộc khi các nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Chức năng quan trọng nhất của công đoàn phải được xác lập trong luật

Chức năng quan trọng nhất của công đoàn phải được xác lập trong luật này. Công đoàn trong doanh nghiệp, chức năng quan trọng nhất là đại diện. Vì vậy, tôi đề nghị làm sáng tỏ vấn đề này. Nếu Hiến pháp chưa đầy đủ thì tiếp tục nghiên cứu để bổ sung trong Hiến pháp. Những văn bản gần đây của Đảng nói rất rõ, Kết luận 09 của Bộ Chính trị nói là hiện nay để tiến tới xây dựng quan hệ lao động tốt thì tính chất quyết định là xây dựng tổ chức công đoàn thực sự đại diện cho người lao động. Tính chất đại diện rất rõ, không có công đoàn làm đại diện xem như trong doanh nghiệp không còn quan hệ lao động. Công đoàn cũng không cản trở, không phải cứ công đoàn là đình công, mà công đoàn giúp cho người lao động thương lượng, trao đổi với người sử dụng để giải quyết vấn đề tốt hơn.

Điều 12 về quyền lợi của tập thể lao động. Nếu nói không có quyền lợi tập thể lao động thì không đúng. Quyền lợi tập thể lao động xảy ra khi có thỏa ước lao động tập thể và khi có tranh chấp về lợi ích dựa trên thỏa ước lao động tập thể thì gọi là quyền lợi của tập thể lao động. Bởi vì tập thể lao động ký văn bản thỏa ước với người chủ, khi có vi phạm thì vi phạm tới tập thể. Chỗ này cần cân nhắc thêm vì quyền lợi của tập thể lao động chính là các bản thỏa ước lao động tập thể và một số thỏa thuận hoặc thương lượng giữa người chủ và người đại diện thì vẫn gọi là quyền lợi tập thể chứ không phải không có.

Đối với vấn đề đình công, đây chỉ là “cái đuôi” thôi vì toàn bộ những thiết chế trước không vận hành được. Khi có tranh chấp thì việc đầu tiên là phải ngồi với nhau để thương lượng, đối thoại để giải quyết. Giải quyết không được thì mới đình công. Nó phải đi các bước như thế, nhưng các bước trên xóa sạch toàn bộ, cứ có việc là đình công. Tôi đề nghị phải tính để có thể vận hành được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Thận trọng khi khẳng định địa vị pháp lý của công đoàn trong luật

Về địa vị pháp lý của công đoàn, chúng ta cũng thấy rõ từ trước tới nay, công đoàn là một tổ chức chính trị xã hội nằm trong hệ thống chính trị của nước ta. Chúng ta cũng khẳng định công đoàn có vai trò hết sức quan trọng trong truyền thống cách mạng những năm qua. Tuy nhiên khi khẳng định địa vị pháp lý của công đoàn trong luật cũng phải hết sức thận trọng khi có những quy định như tại Điều 1 là công đoàn là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động tự nguyện lập ra. Về vấn đề này, phải thận trọng vì công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, đại diện và chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp thức của công chức, viên chức góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nhưng không nói đến sự lãnh đạo của Đảng. Theo tôi công đoàn là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, của người lao động nằm trong hệ thống chính trị nhưng phải nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, vấn đề đại diện cho tập thể người lao động, thoáng qua thì có vẻ hợp lý, nhưng nếu xét về cụ thể thì có những mặt phải cân nhắc. Vì công đoàn là tổ chức tự nguyện, trong khi chưa thành lập được, hoặc người lao động chưa tự nguyện mà lại bảo đại diện thì phải cân nhắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Địa vị pháp lý của công đoàn đã thực sự phù hợp với hệ thống chính trị hay chưa?

Luật Công đoàn có từ tháng 6.1990. Qua 21 năm, giai cấp công nhân có nhiều chuyển biến sâu sắc, do đó đã bộc lộ nhiều vấn đề cần phải sửa.

Phạm vi điều chỉnh của luật có hai vế: vế thứ nhất, ở người lao động, tức là công đoàn viên. Vế thứ hai là bộ máy đại diện cho người lao động. Thế nhưng trong 34 điều của Luật, hầu như chỉ điều chỉnh một vế là vế của người lãnh đạo công đoàn viên. Còn công đoàn viên hầu như không được đề cập đến. Do vậy, nếu lấy ý kiến rộng rãi công đoàn viên trong cả nước, tôi nghĩ họ sẽ đặt câu hỏi luật này đề ra cho các “ông” lãnh đạo chúng tôi chứ không phải đề ra cho chúng tôi. Do đó vấn đề này phải cân nhắc, hoặc viết thế nào cho phù hợp.

Về địa vị pháp lý của công đoàn, quy định như trong dự án Luật đã thực sự phù hợp với hệ thống chính trị hay chưa? Nếu chỉ khẳng định chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân, tổ chức viên chức, người lao động thì rất đúng nhưng tổ chức công đoàn đâu phải chỉ có trách nhiệm với nhà nước mình, mình vừa bảo vệ người lao động nhưng mình cũng phải chấp hành sự lãnh đạo của doanh nghiệp. Lao động cho doanh nghiệp Nhà nước được bảo đảm khá tốt và không có vấn đề gì, nhưng viết như thế này thì ở trong doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân sẽ như thế nào? Viết như thế này thì vô hình chung là mình đối kháng với chủ doanh nghiệp. Đã đối kháng với chủ doanh nghiệp thì dứt khoát doanh nghiệp không mời mình vào làm, không mời mình vào thì làm sao mình tồn tại được trong doanh nghiệp của họ, không thể có chuyện đó. Do đó chỗ này cần thể hiện sao cho rõ, nếu không, luật này chỉ áp dụng được cho tổ chức của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Đã là luật thì phải có đầu, có đuôi

Tôi đề nghị nên xem lại phạm vi điều chỉnh của luật vì tổ chức công đoàn thực ra cũng là một tổ chức chính trị xã hội tương tự như các tổ chức chính trị xã hội khác, tất nhiên là có quy định đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Với tinh thần đây là một tổ chức chính trị xã hội, cũng giống như các tổ chức khác về mặt tổ chức, khi làm luật thì phạm vi điều chỉnh cũng cần lưu ý. Như cách viết ở đây "Luật này quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động. Chức năng, quyền và trách nhiệm của công đoàn. Trách nhiệm của nhà nước...". Tóm lại, luật này chỉ điều chỉnh tổ chức công đoàn nói chung và người lãnh đạo công đoàn, còn quy định về quyền, nhiệm vụ của công đoàn viên gần như không có chữ nào. Tôi đề nghị một luật về một tổ chức, bất cứ tổ chức gì ít nhất cũng phải có một vài điều quy định về quyền và nghĩa vụ thành viên của tổ chức ấy. Đọc luật này tôi cảm giác chỉ quy định công đoàn còn đoàn viên không thấy quy định nhiệm vụ, quyền hạn gì. Nếu được thì điều kiện gia nhập, kết nạp, khai trừ cũng phải quy định vào đây. Đã là luật quy định thì cũng phải có đầu, có đuôi, nhất là bây giờ ta hội nhập nên cũng phải quan tâm đến vấn đề đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Còn nhiều điểm chưa gặp nhau

Theo Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số vấn đề còn khác nhau và qua ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tôi thấy còn nhiều điểm chưa gặp nhau. Theo tôi hiểu, công đoàn cũng có “bộ luật” riêng của công đoàn. Đại hội công đoàn sẽ thông qua điều lệ hoạt động của công đoàn, quy định trong đó về mặt tổ chức, quyền lợi, nghĩa vụ. Đối với luật này, tôi thấy địa vị pháp lý theo Hiến pháp năm 1992 và những văn bản của Đảng mới đây không khác nhau và cũng thể hiện trong luật này không cách biệt lắm.

Tư tưởng xây dựng luật này theo hướng sửa đổi Hiến pháp hay không? Tôi nghĩ cách hình thành này có tư tưởng đó. Thực ra nếu theo Hiến pháp thì có 3 nhóm trong địa vị pháp lý rất quan trọng. Một là cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế... tham gia quản lý nhà nước. Thứ hai là tổ chức kiểm tra giám sát. Thứ ba là giáo dục cho đoàn viên người lao động. Phần chung này không nêu, nhưng thể hiện ở Điều 13, Điều 16, Điều 17. Điều 13 là cùng với các cơ quan Nhà nước để làm quản lý Nhà nước, Điều 16 thì nêu lên là kiểm tra, giám sát, Điều 17 thì nói về giáo dục tuyên truyền tổ chức công đoàn. Tôi đề nghị chỗ này Tổng Liên đoàn Lao động giải thích thêm. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phải rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn và trách nhiệm của tổ chức công đoàn với thành viên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO