Sổ tay:

Phải quyết liệt thực hiện

- Thứ Năm, 31/12/2020, 07:55 - Chia sẻ

Để giải bài toán ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải  (GTVT) TP Hà Nội vừa đưa ra một số đề xuất như: Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè... Đây là những giải pháp được đánh giá là tích cực nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, tạo hiệu quả răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Tuy vậy, dư luận cho rằng, giải pháp đã có, rất bài bản, nhưng vấn đề là ngành chức năng có quyết liệt thực hiện hay không? 

Hiện, Hà Nội có 23.272,86km đường bộ. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, để bảo đảm giao thông vận tải Thủ đô đáp ứng được các yêu cầu thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt từ 20% - 26%, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt được từ 50 - 55%.

Tuy vậy, hiện tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt 10,07%, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1% và tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt được 14,85%%. Trong khi đó, tốc độ tăng hàng năm của ô tô là 10,2%/năm, xe máy là 5,5%/năm; tốc độ tăng trường kinh tế đạt trên 7,5%/năm. Vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố do việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Điển hình như cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 trên cao có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm (gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế); cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe ngày đêm (gấp 6,3 lần lưu lượng thiết kế); cầu Chương Dương 96.506 xe/ngày đêm (gấp 8,04 lần lưu lượng thiết kế); cầu Nhật Tân 81.470 xe/ngày đêm (gấp 1,45 lần lưu lưu lượng thiết kế).

Bên cạnh đó, do xung đột giao thông tại một số các nút giao thông có mật độ giao thông cao gây ùn tắc giao thông; do quá trình tổ chức thi công các công trình trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tỉnh trạng ùn tắc. Đó là chưa kể một số các tuyến phố giao cắt với nhiều các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông dây chuyền. Đáng chú ý, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, theo thói quen không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ…

Để giải quyết thực tế trên, Sở GTVT Hà Nội đề xuất một số giải pháp: Thực hiện rà soát, xén mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; xây dựng các cầu vượt nhẹ bằng thép, hình thành các nút giao thông khác mức để tăng khả năng thông qua, giảm xung đột giao thông... Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè... coi đây là giải pháp tích cực nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, tạo hiệu quả răn đe các hành vi, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. 

Với những giải pháp trên, cùng với việc công khai, minh bạch trong công tác xử phạt vi phạm hành chính như xử lý phạt nguội qua camera kết nối với Trung tâm điều khiển giao thông, dư luận cho rằng, các giải pháp đưa ra rất bài bản, nếu ngành chức năng làm quyết liệt đúng như định hướng đề xuất nêu ra, chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô sẽ sớm giảm thiểu.

Hải Thanh