Phải ngăn chặn từ đầu

- Thứ Hai, 30/11/2020, 06:45 - Chia sẻ
Ngày 28.11, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, Đồng Văn Lâm đã ký quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng. Sau đó, cơ quan này đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến cơ quan công an và Công an huyện Lạc Dương đã thi hành quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Dơng Gur Ha Pri (sinh năm 1994, trú tại thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim) để điều tra về hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại tiểu khu 132, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng.

Theo Công an huyện Lạc Dương, năm 2019, đối tượng Dơng Gur Ha Pri đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi phá rừng. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt, lại tiếp tục tái phạm. Do đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã đủ căn cứ khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Tình trạng phá rừng đã trở thành vấn đề nhức nhối thời gian qua. Nhiều vụ án phá rừng đã bị khởi tố, nhiều đối tượng đã bị đưa ra xét xử. Liên quan đến hành vi phá rừng, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định đã xét xử vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Tổng diện tích rừng bị các đối tượng phá là 64,18ha; trong đó 25,87ha rừng có chức năng phòng hộ, 38,31ha rừng có chức năng sản xuất; trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,2m3. Trong vụ án này, tòa án đã tuyên mức phạt án tù giam đối với 9 bị cáo. 

Dù đã có những bản án nghiêm khắc đối với hành vi hủy hoại rừng, song tình trạng phá rừng vẫn diễn ra. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười vừa qua cho biết, tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhất là tại khu vực Tây Nguyên. Hoạt động mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật và chống lại lực lượng chức năng diễn ra ở nhiều nơi. Đã phát hiện 1.244 vụ (ít hơn 10,25%) vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên giảm 0,09%...

Thực tế cho thấy, rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước, là lá chắn ngăn chặn lũ quét, lũ ống… Tuy nhiên, những giá trị sinh thái của rừng đầu nguồn đã và đang bị một số đối tượng tàn phá chỉ vì lợi ích cá nhân trước mắt. Diện tích rừng mất đi là nguyên nhân khiến mưa lũ diễn ra nghiêm trọng hơn. Hậu quả của lũ lụt miền Trung vừa qua, ngoài biến đổi cực đoan của khí hậu, thì hành vi khai thác trái phép rừng của con người không thể nói là vô can.

Ngoài nguyên nhân do hiểu biết pháp luật của một số người dân còn hạn chế khi đốt rừng lấy đất sản xuất, thì việc phá rừng còn do lâm tặc khai thác trái phép để lấy gỗ tự nhiên đi tiêu thụ. Điều đáng nói, trong quá trình tàn phá rừng có sự tiếp tay, góp sức của một số đối tượng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có chủ rừng và cán bộ kiểm lâm.

Nếu như năm 2017, có 25 vụ án đã được khởi tố nhưng không tìm được bị can, thì đến nay, việc khởi tố vụ án đều đã tìm được thủ phạm phá rừng. Sau hàng loạt vụ phá rừng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng đã nhanh chóng điều tra, đưa vụ án ra xét xử. Các đối tượng đã phải chịu bản án hình sự nghiêm khắc. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp cuối cùng trong xử lý vi phạm. Điều quan trọng là, mọi hành vi vi phạm cần phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý sớm. Đây là nhiệm vụ đặt ra với các lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng.

Cùng với đó, phải gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, địa phương khi để xảy ra các vụ phá rừng. Nếu cứ để rừng bị phá mới đi xử lý sẽ là quá muộn. Bởi, xét đến cùng, bản án tuyên dù có nghiêm khắc đến đâu thì rừng cũng đã bị “chảy máu”. Trong khi, việc gây rừng không phải chuyện ngày một, ngày hai.

Hà An