Phải luôn sẵn sàng!

- Thứ Sáu, 26/02/2021, 08:26 - Chia sẻ
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid - 19 diễn ra hôm 23.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, với 100 triệu dân, đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, chúng ta vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng. Đây là "nhân tố mới" có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu "kép" của nước ta.

Theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I.2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP thì tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra (6%) thế nhưng lại thấp hơn mức 6,5% trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với mức tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP.

Trên thực tế, dù kinh tế - xã hội tháng 1.2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn nhận định, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, thể hiện qua số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12.2020.

Như vậy có thể thấy, điều kiện tiên quyết để có tăng trưởng là phải kiểm soát được dịch bệnh. Và để phòng chống dịch hiệu quả, cần thiết phải có các giải pháp. Thế nhưng nếu không tính toán kỹ, các giải pháp chống dịch có thể ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phần cung của nền kinh tế, năng lực sản xuất hiện nay không bị ảnh hưởng quá lớn mà chủ yếu là phần cầu bị ảnh hưởng và có thể chịu "tác động lũy tiến" từ các đợt dịch trước. Bởi vậy, vừa phải có giải pháp trước mắt là miễn, giảm thuế, đồng thời có giải pháp chiều sâu để vừa bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp, hạn chế tình trạng phải đóng cửa hoặc phá sản. Đặc biệt, phải đẩy mạnh hơn nữa chính sách kích cầu, tăng tiêu dùng nội địa; rà soát thể chế, chính sách để khuyến khích và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, giảm thiểu các khó khăn và rào cản để thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid - 19 diễn ra ngày 24.2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân. Đây là những điểm nếu không giải quyết sớm thì dứt khoát là ảnh hưởng tới tăng trưởng phát triển. Các địa phương, nhất là khu vực có cảng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không "ngăn sông cấm chợ", đồng thời phải có quy chế giữa Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế để thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm...

Vậy nên, dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra căng thẳng, diễn biến khó lường hay trong "điều kiện bình thường mới", điều quan trọng là phải luôn sẵn sàng: Sẵn sàng phòng chống dịch hiệu quả và sẵn sàng phục hồi, phát triển kinh tế.

Hà Ninh