Phải luôn làm tròn trách nhiệm

Hương Sen ghi 15/07/2016 08:27

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến khẳng định: Một người có trách nhiệm dù làm bất cứ công việc gì, ở bất kỳ vị trí công tác nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, chức trách. Không thể nói người nào đó có phẩm chất tốt, năng lực xuất sắc nếu luôn không hoàn thành trách nhiệm.

Bổn phận, quyền lợi và trách nhiệm

Có nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ “trách nhiệm”. Một số quan điểm cho rằng trách nhiệm là “bổn phận phải thực hiện, nó còn là điều không được làm, được làm, phải làm và nên làm. Trách nhiệm là những gì mà họ buộc phải làm và phải chịu sự giám sát của người khác”. Quan niệm khác lại cho rằng trách nhiệm “được hiểu là khả năng của con người ý thức được những kết quả hoạt động của mình, đồng thời là khả năng thực hiện một cách tự giác những nghĩa vụ được đặt ra cho mình”. Cũng có người lại giải thích “trách nhiệm là sự thực hiện bổn phận, nghĩa vụ của chủ thể đối với người khác, với xã hội một cách tự giác. Trách nhiệm đối lập với vô trách nhiệm, gắn liền với chịu trách nhiệm”.

“Một đại biểu dân cử có trách nhiệm là người hoạt động tích cực trong thực hiện nghĩa vụ, bổn phận của người đại biểu, phản ánh trung thực, đầy đủ, khách quan ý chí, nguyện vọng của cử tri, của người dân”.

Ông Lê Như Tiến
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ

Một số học giả lại hiểu trách nhiệm có nghĩa là “chịu trách nhiệm”, với hàm ý là phải gánh chịu một “hậu quả bất lợi nào đó khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được giao phó”. Còn theo Từ điển Tiếng Việt, trách nhiệm được hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất, đó là “phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”; thứ hai, trách nhiệm là “sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của họ, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả”.

Từ những quan điểm, định nghĩa và giải thích đưa ra như trên, có thể nói rằng khái niệm trách nhiệm cần được xem xét tiếp cận như một chỉnh thể thống nhất gồm các yếu tố cấu thành: một là những việc phải làm, được làm hoặc không được làm (nghĩa vụ, nhiệm vụ, bổn phận); hai là những việc được làm, những thứ được nhận (quyền hạn, quyền lợi); và ba là chế tài xử lý (chịu trách nhiệm, hậu quả phải gánh chịu do thực hiện không đúng, không tốt hoặc không thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, quyền hạn). Tóm lại, khi nói đến trách nhiệm trong công việc nghĩa là nói đến việc phải bảo đảm hoàn thành với kết quả tốt phần việc, công việc được giao cho, nếu kết quả không tốt sẽ phải gánh chịu phần hậu quả.

Quan hệ biện chứng

Trong thực tế đời sống xã hội, ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại... Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương... cũng như hình thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội.

Chẳng hạn, với tư cách là trụ cột trong gia đình, một người chồng, người cha tốt phải có trách nhiệm với gia đình, thể hiện qua việc người đó có đủ năng lực, phẩm chất để trở thành chỗ dựa vững chắc cho các thành viên trong gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như về tổ chức, quản lý. Một công dân có trách nhiệm là người sống có lý tưởng, trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân; tuân thủ quy định của pháp luật; tích cực tham gia lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội; có ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội phồn vinh nhằm bảo vệ và phát triển bền vững Tổ quốc.

Một cán bộ quản lý có trách nhiệm là người có sự chủ động tích cực, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao và tự cam kết bảo đảm thực hiện và hoàn thành chức trách, nhiệm vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất với sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi, việc làm đã hứa hay đã nhận của mình trên cơ sở sáng tạo, linh hoạt nhưng vẫn tôn trọng các nguyên tắc, không làm tắt, làm trái quy định, trái với lương tâm của người cán bộ cũng như không có động cơ cá nhân hay thiên tư, thiên kiến trong công việc, dám dũng cảm gánh chịu phần hậu quả bất lợi nếu kết quả thực hiện không tốt hoặc không hoàn thành công việc…

Để thực hiện tốt trách nhiệm của mình, phải có những phẩm chất và năng lực cần thiết đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoạt động đạt kết quả cao. Vì vậy, có thể nói làm tròn trách nhiệm cũng là thước đo phẩm chất và năng lực của con người đối với công việc được giao, và người luôn hoàn thành tốt trách nhiệm, nhiệm vụ, đồng thời là người nhân văn và người lao động sáng tạo. Vì nhân văn, trách nhiệm và sáng tạo luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, ảnh hưởng và thúc đẩy lẫn nhau. Con người nhân văn là con người luôn có trách nhiệm cao với cộng đồng, với xã hội và phải là người miệt mài lao động, sáng tạo mới hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh.  

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phải luôn làm tròn trách nhiệm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO