Phải hành động quyết liệt

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:31 - Chia sẻ

Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội trở thành đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất cả nước. Nhiều thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) thủ đô chạm ngưỡng báo động. Ai cũng biết, cách giảm ô nhiễm không khí bền vững nhất là phải giảm được các nguồn phát thải ô nhiễm, nhưng để làm được điều đó đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, thực hiện trong nhiều năm với những nhóm giải pháp khác nhau.

Mới đây, sau vụ việc người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, Hà Nội cũng đã triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, xử lý các xe vi phạm lỗi về vệ sinh môi trường. Chỉ trong 2 ngày, Công an Hà Nội đã xử lý gần 100 trường hợp vi phạm, trong đó chủ yếu mắc các lỗi: xe rác chạy vào giờ cấm; dừng đỗ sai quy định; để rác, nước rác rỉ, chảy xuống đường; phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu thông… Trong đó, phương tiện chở rác của Công ty Urenco, Hợp tác xã Thành Công chiếm đa số.

Thực trạng xe thu gom rác thải sinh hoạt của các công ty môi trường đô thị che chắn không đúng quy định, để nước rác rò rỉ ra khắp các tuyến đường thành phố, gây ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn Hà Nội. Quy trình thu gom rác thải hiện nay hầu hết thông qua các xe đẩy thùng hở từ các khu dân cư, sau đó tập kết về một điểm tự phát để chuyển tiếp lên ô tô chuyên dụng, chở tới khu vực tập kết. Rác thải vốn đã nồng nặc hôi thối, các xe đẩy thu gom lại thiết kế thiếu quy chuẩn nên đi tới đâu, nước rác chảy lan tới đó, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Mang logo “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, nhưng đáng buồn chính là công ty môi trường lại để xảy ra vi phạm ngay trong lĩnh vực hoạt động của mình. Đáng nói, chỉ 2 ngày đã xử phạt gần 100 trường hợp vi phạm cho thấy dường như từ trước đến nay, không ít cơ quan chức năng đã chưa làm hết trách nhiệm của mình trong xử lý xe môi trường gây ô nhiễm. Dẫu ô nhiễm môi trường và chất lượng không khí có nhiều nguyên nhân, nhưng với thực trạng xe vận chuyển rác thải thiếu quy chuẩn, để rỉ nước rác ra đường cũng là một trong những nguyên nhân góp thêm sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Để quản lý quá trình thu gom và vận chuyển rác, tháng 4.2020, Đà Nẵng thí điểm lắp camera giám sát lên xe thu gom rác. Căn cứ vào hình ảnh truyền về từ camera, công ty sẽ xử lý nếu công nhân thu gom không thực hiện đúng thao tác thu gom, đổ rác không đúng nơi quy định. Đồng thời, qua camera sẽ kịp thời phát hiện xử lý các hành vi thu gom rác, đổ rác không đúng quy định, vứt rác gây ô nhiễm môi trường. Việc thí điểm này còn hướng tới thu gom rác trực tiếp tại đầu các tuyến phố, tiến tới xóa bỏ việc tập trung rác thải gây ô nhiễm và mất mỹ quan thành phố. Với đô thị đông dân như Hà Nội, đây là cách làm hay có thể học hỏi, áp dụng nhằm giảm thiểu các hành động gây ảnh hưởng, tổn hại đến môi trường.

Còn về lâu dài, theo các chuyên gia môi trường, để xử lý triệt để tình trạng trên cần giải quyết từ quá trình thu gom và xử lý rác; đồng thời bảo đảm công tác kiểm tra, kiểm soát quy trình xử lý thu gom rác. Vấn đề dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn hiệu quả, chất lượng cũng là bài toán nan giải - khi chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như cơ chế chính sách hợp lý để có thể phát triển các mô hình trạm xử lý chất thải.

Có thể nói, để hướng tới một xã hội văn minh, xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân từ việc hạn chế sử dụng, tự tái chế và phân loại rác ngay từ đầu. Đồng thời, các công nghệ xử lý chất thải rắn cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Cuối cùng, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải xây dựng lộ trình để quản lý chất thải rắn trong tương lai về các lĩnh vực như công nghệ, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, cơ chế chính sách phù hợp.

Giảm thiểu tác động tiêu cực đến không khí, đến môi trường, phải bắt đầu từ việc quản lý chất thải tốt. Nghị định 46/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2016/NĐ-CP chính là hành lang pháp lý nhằm xử lý rác thải; răn đe những tổ chức, cá nhân có hành vi làm tổn hại đến môi trường, trong đó có các xe chở rác thải. Các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tổ chức ra quân xử lý nghiêm, phải hành động quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Duy Anh