Phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô

- Thứ Ba, 20/07/2021, 05:52 - Chia sẻ
Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp các tháng cuối năm của Ủy ban Kinh tế, được trình bày trong phiên họp sáng 22.7 của Quốc hội Khóa XV, dành nhiều thời lượng nhận diện những khó khăn, thách thức của đất nước. Nhìn về tương lai, báo cáo lưu ý Chính phủ cần xác định “ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu”. Yêu cầu này Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhắc tới.
Ổn định kinh tế vĩ mô phải là nhiệm vụ hàng đầu
Ảnh: Đức Thanh

Chiến lược vaccine gặp nhiều thách thức

Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư từ cuối tháng 4 và kéo dài tới nay. Dịch lan rộng khắp nước, tấn công trực diện vào những khu vực trọng điểm kinh tế. Số ca nhiễm tăng mạnh khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và đẩy hệ thống y tế vào tình trạng quá tải. Vì thế, Ủy ban Kinh tế đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 5,64% trong 6 tháng đầu năm dù thấp hơn mục tiêu nhưng vẫn là mức tăng tích cực. Lạm phát được kiểm soát, dự báo cả năm dưới 4%. Kết quả thu, chi ngân sách khả quan: Thu đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3% so với cùng kỳ; chi đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9% so với cùng kỳ…

Bên cạnh đó, trong góc nhìn của Ủy ban Kinh tế có rất nhiều vấn đề Chính phủ phải lưu tâm và đánh giá kỹ. Đáng chú ý là các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai còn chậm, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Chiến lược vaccine gặp nhiều thách thức (cần có 150 triệu liều, hiện đã có cam kết và ký hợp đồng 105 triệu liều, đến ngày 13.7 nhận được 8 triệu liều) có thể khiến nước ta rơi vào nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới. Xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Hoa Kỳ tăng bất thường tới 42,6% có thể khiến Việt Nam có nguy cơ lọt vào tầm ngắm của chính quyền nước này…

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế quan tâm đến những yếu tố có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016 chủ yếu do sức cầu trong nước yếu. Sang tháng 5, tháng 6, CPI tăng lần lượt 1,43% và 1,62% so với tháng 12.2020, tăng 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. Diễn biến này cùng với tình hình giá cả thế giới và trong nước có xu hướng tăng cao có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo.

Không dừng lại ở đó, kinh tế vĩ mô có thể phải hứng chịu hệ lụy từ những cơn sốt nóng trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán; từ tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang dần nhích lên trong nửa đầu năm nay. Đến cuối tháng 4.2021, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng là 1,78%. Nếu tính tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống thì con số này là 483,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4,71%. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài sẽ tiếp tục tác động xấu hơn đến khách hàng và khả năng trả nợ, tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng.

Ổn định vĩ mô, thúc đẩy niềm tin

Trong báo cáo của Chính phủ về các nhóm giải pháp trong 6 tháng cuối năm, “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” nằm ở vị trí thứ 4; “tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép” ở vị trí thứ 2. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần xác định “ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn”.

“Ổn định kinh tế vĩ mô phải là mục tiêu hàng đầu”, yêu cầu này nhiều lần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế.

Chia sẻ quan điểm, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, 2021 là năm củng cố lòng tin và một trong những cơ sở quan trọng làm nên niềm tin chính là ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ thúc đẩy niềm tin của xã hội, để doanh nghiệp chọn đầu tư, thay vì đầu cơ và cũng là cơ sở để nói đến nền tảng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Tương tự, PGS.TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, Chính phủ nên kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. “Bất kể dịch bệnh kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản nhưng Chính phủ vẫn cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện. Như vậy, sau bệnh dịch, nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng”.

Trên thực tế, từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã coi ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện để phát triển, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, mở cửa sâu rộng hơn khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Nhờ đó, đất nước đạt được kết quả kép: Vừa kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng. Ổn định kinh tế vĩ mô cũng chính là yếu tố quan trọng giúp nước ta vượt qua những khó khăn dịch Covid-19 gây ra và tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới trong năm ngoái.

Hà Lan