Phải đưa tín dụng tới doanh nghiệp, tới dân để tạo tăng trưởng

Quang Minh 11/01/2013 08:40

Với những diễn biến của năm 2012, thì năm 2013 vẫn là một năm khó khăn của nền kinh tế, đồng nghĩa với nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước cũng nặng nề. Nhất là những nút thắt liên quan đến lãi suất, đến xử lý nợ xấu, đến các mục tiêu lớn hơn là ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Dự hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 5 nhóm giải pháp quan trọng để xử lý các vấn đề của ngành ngân hàng.

Năm 2013 khẳng định còn nhiều khó khăn như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; tăng trưởng GDP trên 5% nhưng vẫn thấp, trong khi tiềm năng còn lớn; khó khăn của doanh nghiệp nhiều, nợ xấu, hàng tồn kho lớn. Do đó, trong nhóm giải pháp đầu tiên, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước lấy mục tiêu chung của đất nước để phấn đấu. Làm tốt chức năng của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn điều hành chính sách tiền tệ. Để xảy ra lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm với Chính phủ. Điều hành để kiểm soát lạm phát thấp hơn năm 2012 nhưng phải đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn. Đi tiếp một bước quản lý tốt thị trường ngoại tệ; tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm cán cân thanh toán. Không chỉ Ngân hàng Trung ương mà các ngân hàng thương mại cũng phải chung sức. 

Nhóm giải pháp thứ hai, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng đưa tín dụng tới doanh nghiệp và người dân để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thì mới có tăng trưởng, việc làm và ổn định vĩ mô. Tăng dư nợ tín dụng đúng mục tiêu, hiệu quả, để thúc đẩy nền kinh tế. Đây là lợi ích của ngân hàng thương mại, và cũng là lợi ích của doanh nghiệp. Muốn vậy, thì phải tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Kinh doanh phải có lợi nhuận, nhưng khi sản xuất của doanh nghiệp khó khăn, thì ngân hàng phải phân tích, nếu doanh nghiệp khó khăn tạm thời thì chia sẻ, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ. 

Nhóm giải pháp thứ ba, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải xử lý tốt nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng. Ngân hàng là người cho vay, nay doanh nghiệp khó khăn, thì ngân hàng là người xử lý chủ yếu và trước hết với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Còn Nhà nước không có ngân sách để xử lý nợ xấu. Nợ xấu có tài sản thế chấp là phần lớn thì cần xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó cần gắn xử lý nợ xấu với giải phóng hàng tồn kho.

Nhóm giải pháp thứ tư, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tự mình cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần, cơ cấu lại, không để còn ngân hàng yếu kém. Không để tình trạng một số cổ đông chi phối, lập ngân hàng, lập công ty con, rút tiền ngân hàng, kê khống tài sản thế chấp, gây nợ xấu lớn. Ngân hàng Nhà nước cần xem thể chế quy định thế nào, bảo đảm kiểm soát tình trạng này. 

Nhóm giải pháp thứ năm là phải quản lý thị trường vàng, tiến tới quản lý tốt thị trường ngoại tệ, không để tác động đến ổn định vĩ mô, đến tỷ giá, đến lãi suất, không để tình trạng sử dụng vàng như tiền. Đồng thời phải bảo đảm quyền lợi chính đáng hợp pháp của người giữ vàng. Tìm cách chuyển vàng trở thành tiền, thành vốn đưa vào sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là quản lý ngoại tệ để nước ta chỉ sử dụng đồng Việt Nam.

Có thể nói, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là năm 2013 lãi suất cho vay giảm tiếp. Việc giảm 1% lãi suất vào cuối năm 2012 các doanh nghiệp cho là chưa đủ. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2013 có thể lãi suất tiếp tục giảm, nhưng giảm không nhiều. Bởi nếu không đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại để xử lý nợ xấu thì sẽ làm chi phí vốn tăng lên. Mặt khác, mặt bằng lãi suất cao chủ yếu do những ngân hàng năng lực tài chính và quản trị nội bộ kém đã đẩy lên để thu hút lượng tiền gửi vào mình. Vì vậy, để lãi suất cho vay xuống thấp và điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, cần xử lý vấn đề nội tại ngân hàng, trong đó có xử lý các ngân hàng yếu kém, thanh khoản của những đơn vị này.

Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra nhiều mục tiêu trong năm 2013. Có thể kể đến là mục tiêu tiếp tục áp trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường và xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện vững chắc. Nếu lạm phát năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp hơn năm 2012 thì tiếp tục điều hành theo hướng giảm mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 12%, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Liên quan đến thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn Quy chế cho vay mua nhà ở xã hội theo các đối tượng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phải đưa tín dụng tới doanh nghiệp, tới dân để tạo tăng trưởng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO