Phải đủ cả “tâm và tầm”
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến cho rằng, trong quá trình lựa chọn nhân sự để giới thiệu ra đại hội đảng các cấp cần chú ý lựa chọn những cá nhân có đạo đức và tài năng, đủ cả tâm và tầm. Muốn vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của cán bộ, đảng viên nơi làm việc, nhân dân nơi cư trú, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình giới thiệu nhân sự.
Không thể chỉ dựa vào đánh giá của một vài người
- Văn kiện và nhân sự là hai nội dung trọng tâm được nhân dân quan tâm khi tiến hành đại hội đảng các cấp. Ông có quan điểm như thế nào về lựa chọn nhân sự để giới thiệu tại các đại hội đảng?
- Khi lựa chọn nhân sự cho đại hội đảng, nhiều ý kiến đã đề xuất, cần chú ý cả hai yếu tố đức và tài, bảo đảm giới thiệu ra đại hội xem xét, quyết định đều là những cá nhân có tâm và tâm. Đó là những cá nhân có tâm với nhân dân, đất nước, có tầm nhìn, sự hiểu biết và đủ năng lực để đưa con thuyền đất nước vượt qua thác ghềnh, khó khăn. Hai yếu tố này luôn phải thường trực trong một con người.
|
Trong thời điểm cuối Khóa XIII, tôi từng đưa ra cảnh báo về hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, khi thấy có một số quan chức “tăng tốc tham nhũng”. Tăng tốc cả về tần suất và cường độ để làm “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”. Do vậy, khi tiến hành đại hội đảng các cấp hiện nay phải lưu ý hơn nữa để phát hiện, giới thiệu những cá nhân có tâm và tầm, có đạo đức, phẩm chất. Tất nhiên, để phát hiện những cá nhân này không thể chỉ dựa vào đánh giá của một vài người, phải căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đánh giá của cử tri, người dân nơi công tác, cư trú của họ. Cử tri và người dân ở những nơi này sẽ có đánh giá chính xác nhất về mức độ hoàn thành công việc, đạo đức, nhân cách… của nhân sự giới thiệu ra đại hội bầu chọn.
Thời gian qua đã có những cá nhân vun vén cho lợi ích cá nhân, lối sống xa hoa, xa rời phẩm chất, đạo đức của đảng viên, trong khi, nông dân phải một nắng hai sương, rất vất vả. Chúng ta không thể để lọt những cá nhân này đưa vào giới thiệu nhân sự trong đại hội đảng các cấp.
- Tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn nhân sự đều được Trung ương ban hành đầy đủ khi chuẩn bị tiến hành đại hội đảng các cấp. Song, trong thời gian qua, hàng trăm cán bộ bị kỷ luật, xử lý, thậm chí một số cán bộ bị truy tố ra tòa. Vậy có phải tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn cán bộ vẫn chưa bao quát được hiện tượng phát sinh trong thực tiễn, thưa ông?
- Vấn đề ở đây không chỉ là đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn cán bộ để giúp loại bỏ những cá nhân không xứng đáng bước vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Vấn đề cần quan tâm là thực hiện giám sát việc thực hiện quyền lực dựa trên các cơ quan bảo vệ pháp luật, tổ chức chính trị - xã hội, đồng nghiệp nơi làm việc, người dân nơi cư trú. Những sai phạm của các cán bộ bị kỷ luật, xử lý trong thời gian qua không phải lỗi nhỏ như cái kim mà dễ bị bỏ lọt. Thực tế, sự gia tăng tài sản bất thường của một cá nhân được người dân ở khu vực sinh sống biết ngay. Các hiện tượng bổ nhiệm thần tốc người dưới quyền, phê duyệt, ký kết dự án quy mô lớn… đều được người dân nơi cư trú biết, cấp dưới của họ biết cả. Chỉ có điều chúng ta có tận dụng, phát huy được “những tai mắt” này của cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như có cơ chế bảo vệ họ không, để phát hiện những cá nhân trong sạch, có đạo đức, có tài, sàng lọc cá nhân có biểu hiện tư lợi riêng.
- Việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay thực hiện theo một quy trình gồm nhiều bước, có sự xem xét, đánh giá của nhiều cơ quan, đơn vị, đồng thời tiến hành lấy phiếu tín nhiệm ở đơn vị công tác của họ. Vì sao vẫn cần huy động sự giám sát từ các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, cử tri ở nơi làm việc, nơi cư trú, thưa ông?
- Quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện đã được hoàn thiện hơn, có sự kiểm soát của nhiều cơ quan, phải bảo đảm mức độ tín nhiệm của đồng nghiệp nơi công tác. Những hoạt động này tưởng như đã giúp đánh giá chính xác về năng lực, đạo đức của nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, nếu nhân sự đó đang giữ chức danh lãnh đạo ở một đơn vị, liệu các cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền có thể bỏ phiếu không tín nhiệm với họ không? Có lẽ sẽ khó có trường hợp này xảy ra, thường đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao. Do vậy, cần có cơ quan giám sát quyền lực, phát huy vai trò của nhân dân, cấp dưới, người cùng công tác, cùng cư trú với họ.
Thời gian qua có những nhân sự cấp cao là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, đứng đầu ngành, lĩnh vực, mà sau này khi có sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, chúng ta mới “tá hỏa” phát hiện ra họ đã để lại nhiều hệ lụy trong thời gian làm việc trước đó, đến mức phải xem xét kỷ luật, hoặc bị truy tố trước pháp luật.
Do vậy, để bảo đảm chặt chẽ hơn nữa, trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ cần tăng cường sự giám sát chéo giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đồng thời, tiếp tục mở rộng dân chủ trong bổ nhiệm nhân sự, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân nơi cư trú, công tác…
Lắng nghe ý kiến từ cơ sở, nơi công tác, cư trú
- Thưa ông, có lẽ chưa có nhiệm kỳ nào mà số lượng cán bộ bị kỷ luật, xử lý nhiều như nhiệm kỳ này. Quan điểm rất rõ của Đảng ta là xử lý nghiêm, không có vùng cấm. Theo ông, bài học kinh nghiệm nào cho công tác lựa chọn nhân sự khi tiến hành đại hội đảng các cấp?
- Việc nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật trong thời gian qua để lại bài học cho vấn đề lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự. Thiết nghĩ lựa chọn nhân sự phải qua nhiều kênh khác nhau hơn nữa, không chỉ thông qua quy trình bổ nhiệm cán bộ do các cơ quan Đảng, Nhà nước thực hiện, mà cần chú ý lắng nghe phản ánh từ cử tri, người dân nơi công tác, nơi cư trú, cũng như từ các tổ chức chính trị - xã hội.
- Bên cạnh các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn cán bộ, Trung ương đã ban hành một số quy định nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền… Những quy định này được kỳ vọng sẽ giúp lựa chọn được những cán bộ có tâm, có tầm giới thiệu tại đại hội đảng các cấp, thưa ông?
- Đảng viên, cử tri và người dân đều hoan nghênh những văn bản mới đây được Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền ban hành, vì nó vừa mang tính ngăn chặn, vừa mang tính răn đe. Quy định mới ban hành không chỉ định vị rõ hành vi nào được coi là chạy chức, chạy quyền, còn chỉ rõ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cán bộ cần làm gì, được làm gì, không được làm gì một cách cụ thể. Nhưng thực tiễn cũng cho thấy, chạy chức, chạy quyền rất kín đáo, thậm chí là tinh vi, nên trước hết, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải gương mẫu chấp hành và nêu gương thực hiện, phải làm thế nào không để những người chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp lọt vào cấp ủy, vị trí chủ chốt.
Trong thời gian tới, để có thể phát hiện nhân tài trong nhân dân, lựa chọn chính xác nhân sự, theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để phát huy vai trò của người dân, thậm chí mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân lựa chọn, giới thiệu nhân sự. Đặc biệt, đề nghị cần tiến tới công khai, minh bạch danh sách nhân sự giới thiệu vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, vì chỉ có người làm việc hàng ngày, sinh sống sát với những nhân sự được giới thiệu này là hiểu họ hơn ai hết. Nói cách khác, nhân dân chính là người sáng suốt nhất.
- Xin cảm ơn ông!