Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020

Phải đo lường, kiểm đếm, đánh giá được, không nêu chung chung

- Thứ Năm, 27/05/2021, 18:14 - Chia sẻ
Chiều 27.5, tiếp tục Phiên họp thứ 56, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp

Ảnh: Hồ Long 

Quản lý, sử dụng NSNN còn bất cập, lãng phí

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP), để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước.

Việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ và công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật.

THTKCLP trong quản lý ngân sách Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó có phương án điều hành NSNN phù hợp tình hình thực tế...

Bên cạnh đó, Chính phủ còn thực hiện THTKCLP trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng. THTKCLP trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Về công tác thanh tra, kiểm tra góp phần THTKCLP, năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 ha đất. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.465 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 9.143 tỷ đồng, 148 ha đất; đôn đốc xử lý trách nhiệm đối với 1.066 tập thể, 3.658 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 12 vụ, 12 đối tượng.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2021, với mục tiêu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp THTKCLP trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Qua đó, góp phần tạo nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021. Trong đó, có một số nhiệm vụ cụ thể, như: Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp THTKCLP trên các lĩnh vực theo quy định của Luật THTKCLP để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo của Chính phủ

Ảnh: Hồ Long 

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác THTKCLP năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình THTKCLP được triển khai chủ động, kịp thời tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác THTKCLP. Hiệu quả sử dụng NSNN được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng…

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo THTKCLP; việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra; việc quản lý, sử dụng NSNN còn một số bất cập, gây lãng phí. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong  khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất công còn có biểu hiện lãng phí…

Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu

Cơ bản tán thành với các mục tiêu, giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề. Trong đó, cần tiếp tục chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của bộ máy hành chính. Kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả THTKCLP; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật THTKCLP…

Cơ bản tán thành với các giải pháp về THTKCLP mà Chính phủ nêu trong báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống trị từ Trung ương đến cơ sở để THTKCLP trong tất cả các hoạt động, từ đó tạo sự chuyển biến. Bởi, chỉ khi nhận thức đúng về THTKCLP thì lúc đó mới chuyển thành hành động cụ thể. Tiếp tục chỉ đạo, rà soát kế hoạch THTKCLP; cần phải quy định chế tài cụ thể về xử lý vi phạm các ngành, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cũng như khen thưởng, kể cả công tác cán bộ liên quan đến thực hành THTKCLP mới có thể chuyển biến tình hình trong lĩnh vực này… Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng lưu ý phải lập kế hoạch THTKCLP từ sớm, làm tốt công tác quản lý thì sẽ góp phần chống lãng phí. 

Ảnh: Hồ Long

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: THTKCLP là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được Quốc hội thể chế hoá bằng một đạo luật. Việc THTKCLP có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện nước ta hiện nay chưa dư dả gì, thậm chí là còn nghèo. Hệ quả của lãng phí không kém gì tham nhũng, cho nên phải hết sức coi trọng vấn đề này. Nhiều báo cáo của bộ ngành mang hình thức. Vậy báo cáo của Chính phủ đã đi sâu vào thực chất hay chưa? Đã bám sát Luật THTKCLP, chương trình hành động của Chính phủ về THTKCLP hay chưa? Vấn đề lớn nhất trong THTKCLP năm 2020 là gì? Cái gì là tồn tại, hạn chế? Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải chỉ ra được các vấn đề này và phải có địa chỉ rõ ràng, không né tránh. Tinh thần Thủ tướng nói là cái gì tốt phải khen, phải nhân rộng ra, anh nào sai phạm phải phê bình, kỷ luật. Phải rõ ràng minh bạch như vậy.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp tục đầu tư hoàn thiện báo cáo, bố trí thời gian để thảo luận tại hội trường, tại tổ. Các báo cáo phải cố gắng bám sát cuộc sống, thiết thực, rõ ràng, có địa chỉ, có thể đo lường, kiểm đếm, đánh giá được, không nêu chung chung.

Thành Trung