Phải định lượng được các tình tiết phạm tội
Qua tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành, Bộ Tư pháp cho biết, việc quy định nhiều tình tiết phạm tội mang tính định tính đang khiến công tác áp dụng pháp luật gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hướng dẫn của các cơ quan liên ngành trung ương. Ngoài ra, do không quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân, nhiều tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) sẵn sàng vì lợi nhuận mà có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Đây cũng là hai vấn đề được đặt ra trong phiên họp của UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
246 điều mang tính định tính
Thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành cho thấy, những quy định mang tính định tính là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, “mức độ lớn”, “số lượng rất lớn”, “đặc biệt lớn”... không chỉ khiến công tác áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hướng dẫn của các cơ quan liên ngành trung ương. Trong khi đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 quy định, những vấn đề liên quan đến quyền của con người, quyền của công dân chỉ được quy định tại các luật, bộ luật, nghị quyết của QH, không được quy định tại nghị định, thông tư hay thông tư liên tịch. Bởi vậy, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Công Phàn cho biết thực tế, do Bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định cụ thể số lượng sừng tê giác nhập lậu đến bao nhiêu sẽ bị xử phạt hình sự, cũng như khung hình phạt tương ứng với từng số lượng, nên các vụ án này đều đang ách lại, các cơ quan tố tụng chưa xử lý được. Trong khi đó, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vẫn có 246 điều quy định mang tính định tính, chỉ quy định cụ thể trong 60 điều.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chỉ rõ, Bộ luật Hình sự hiện hành lại quy định mức tù từ 10 - 15 năm với tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng từ 15 - 20 năm hoặc tử hình. Như vậy, chúng ta đang làm ngược, bởi lấy các quy định mang tính định tính như nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm dấu hiệu để định ra hình phạt, trong khi lẽ ra phải định lượng được các tình tiết phạm tội thì mới có thể khẳng định tội danh đó là nghiêm trọng, hay đặc biệt nghiêm trọng. Vì quy định như vậy, nên các cơ quan tố tụng đang tự thỏa thuận với nhau để xác định việc vận chuyển bao nhiêu ma túy sẽ bị xét xử ở tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cũng như trong các vụ án hình sự khác.
Bộ luật Hình sự quy định nhiều tình tiết mang tính “định tính”. Điều này không những làm cho công tác áp dụng pháp luật trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hướng dẫn của các cơ quan liên ngành trung ương. Báo cáo Kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự của Bộ Tư pháp |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, quy định về các tình tiết phạm tội tại Bộ luật Hình sự ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của con người, đến danh dự, nhân phẩm của mỗi cá nhân. Do vậy, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) phải định lượng cho được thế nào là mức độ lớn, rất lớn, tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Không thể để tình trạng Bộ luật Hình sự có từ năm 1995, đến năm 2005 đã sửa, mà đến bây giờ vẫn để nhiều quy định mang tính định tính. UBTVQH không thể hướng dẫn cách hiểu cho những quy định này, nên phải kiên quyết yêu cầu Ban soạn thảo tổng kết thực tiễn để đưa vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) - Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Tán thành với quan điểm trên, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, các dấu hiệu định tội để xác định vi phạm nào gây hậu quả nghiêm trọng phải quy định rõ, nếu không chỉ cần ghi hành vi, không phải kèm thêm các tính từ “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”. Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, chỉ cần có những hành vi xâm hại đến môi trường đã được quy kết là tội hình sự. Điều 14, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, nên không thể giao cho thông tư liên tịch, hay nghị quyết liên tịch của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao quy định chi tiết. Chúng ta phải tổng kết thực tiễn và định lượng ngay vào trong luật, không để cho cơ quan nào giải thích, kể cả UBTVQH. UBTVQH chỉ giải thích trong trường hợp nội dung đó được hiểu khác nhau, còn đây là định ra một vấn đề, trên cơ sở đó áp dụng cho người dân hoặc người phạm tội - Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý.
Quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân là cần thiết
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bên cạnh trách nhiệm hình sự của cá nhân như quy định hiện hành. Song, một số ý kiến đề nghị, không nên bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, vì pháp nhân là đơn vị, tổ chức, cơ quan, nhưng đại diện cho pháp nhân đó, người đứng đầu pháp nhân là cá nhân. Như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm ở đây, mức độ vi phạm như thế nào? Nếu không xác định rõ điều này, thì trách nhiệm hình sự của cá nhân sẽ trốn trong vỏ bọc của tập thể, của pháp nhân, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, cần làm rõ phạm vi, trách nhiệm giữa cá nhân và pháp nhân trong một đơn vị, trong một cơ quan, một tổ chức. Nếu lập luận về vấn đề này chưa thuyết phục, thì chưa nên đưa vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng, việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự thời điểm này là cần thiết, vì nhiều luật đã quy định có hoạt động của doanh nghiệp thay vì được xử lý bằng phạt hành chính, thì có thể xử lý bằng bản án, quyết định của Tòa án. Việc quy trách nhiệm hình sự với những vi phạm pháp luật, gây tác hại nghiêm trọng của các pháp nhân sẽ có giá trị cao hơn xử lý hành chính. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng chỉ rõ, trên thế giới đã có 116 quốc gia và trong khu vực ASEAN có 6 nước quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân. Nước ta cũng đang tham gia vào rất nhiều Công ước, Điều ước quốc tế mà trong đó người ta quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân. Mặt khác, bản thân Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Dân sự... đều quy định trách nhiệm của các pháp nhân. Nói cách khác là đã có đủ cơ sở thực tiễn, pháp lý, kinh nghiệm của các nước, nên cần bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, góp phần yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với loại hành vi này - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.
Bộ luật Hình sự là một luật gốc, quan trọng, với nhiều quy định liên quan đến quyền sống của con người, nên UBTVQH đã yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện về lý luận cho những vấn đề đang đặt ra trong quá trình sửa đổi. UBTVQH cũng xác định sẽ cho ý kiến lại một lần nữa trước khi trình ra QH xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Sự kỹ càng này của UBTVQH cần được các cơ quan hữu quan cùng hưởng ứng để có thể đưa ra căn cứ vững chắc cho phương án được lựa chọn cuối cùng, giúp ĐBQH yên tâm khi bấm nút biểu quyết thông qua.