Phải đầu tư đồng bộ kinh tế, xã hội, văn hóa

- Thứ Tư, 07/04/2021, 06:53 - Chia sẻ

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)

Nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội và Chính phủ đã luôn đồng hành, sát cánh với nhau, kế thừa, phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi và khắc phục những tồn tại, hạn chế để đưa đất nước vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục đà phát triển.  

Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ nhiệm kỳ này trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân; tin rằng, Chính phủ thời gian tới, dưới sự dẫn dắt, điều hành của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ còn hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, phấn đấu vượt qua mức thu nhập trung bình; đến năm 2030 nằm trong các nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao với mức thu nhập khoảng 12.500 USD/người. Nhưng đúng như tân Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói, thịnh vượng không phải là món quà sẵn có. 25 năm tới, mức thu nhập cao và trình độ phát triển của thế giới sẽ rất khác. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc, sớm khắc phục các vấn đề nội tại của mình. Cùng với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải đầu tư nhiều hơn nữa cho nhiệm vụ lập pháp. Pháp luật chồng chéo, đan xen, không đồng bộ với nhau sẽ tốn rất nhiều chi phí, thời gian, cơ hội. Một dự án đang triển khai bị vướng sự chồng chéo của pháp luật có thể đội vốn lên hàng trăm nghìn tỷ đồng. Chi phí cho việc xây dựng luật hiện nay còn ít, do đó phải đầu tư tương xứng để huy động được lực lượng chuyên gia, các nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến, lắng nghe thực tiễn cuộc sống để đưa vào chính sách, pháp luật để pháp luật được ban hành khả thi, đi ngay vào cuộc sống.

Với nhân sự được kiện toàn tại kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành chuyển giao quyền lực để bảo đảm sự tiếp nối, liên tục giữa hai nhiệm kỳ. Do đó, công việc nào có thể tập trung làm ngay được thì phải bắt tay làm ngay, nhất là bên khối Chính phủ, các bộ, ngành. Ví dụ, vấn đề đang rất vướng hiện nay ở các địa phương là quy hoạch. Trước đây, chúng ta xây dựng quy hoạch với nhiều khát vọng, mong muốn nhưng do suy thoái kinh tế, do dịch Covid-19 nên mong muốn khác với khả năng thực hiện, từ đó dẫn đến độ vênh giữa mong muốn và thực tiễn, dẫn đến quy hoạch treo. Hiện đang có tình trạng giao dự án quá nhiều cho các chủ đầu tư mà nhiều chủ đầu tư không có năng lực, dẫn đến nhiều dự án treo 20 - 25 năm. Khi dự án treo đất đai lãng phí, để hoang hóa, ô nhiễm môi trường còn người dân thì bức xúc. Khiếu kiện nhiều nhất hiện nay cũng chính là ở đây nên rất cần thành lập một đội tác chiến để “dẹp loạn” trong lĩnh vực này. Cần tiến hành thu hồi nhanh các dự án treo, thực hiện đấu thầu giao lại dự án cho các nhà đầu tư khác, tạo điều kiện để đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân vùng dự án treo. Hay những quy hoạch trước đây là đất nông nghiệp nay đã đô thị hóa, đất nông nghiệp nhưng không thể trồng trọt, không có nước, hệ thống thủy lợi, ô nhiễm môi trường thì cần cho dân chuyển mục đích sử dụng.

Cùng với đó, rất nhiều tài sản công hiện đang để lãng phí. Nếu xử lý được ngay những vấn đề này chúng ta sẽ có nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa xử lý được các vấn đề bức xúc trong thực tiễn, ví dụ như vấn đề giá đất đang sốt hiện nay. Nếu để giá đất tiếp tục sốt sẽ phá vỡ hết quy hoạch. Chúng ta đã quy hoạch giao thông, cầu đường, nếu sốt đất thì giá đền bù bị đội lên, tăng tổng mức đầu tư và phải làm lại quy trình sẽ rất lãng phí, mất thời gian.

Song song với các vấn đề kinh tế, Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, y tế. Đây là 3 yếu tố rất quan trọng. Chúng ta muốn giải quyết vấn đề chống tham nhũng thì phải giáo dục nhân cách từ nhỏ cho thiếu niên, nhi đồng. Chúng ta muốn có một đội ngũ công dân dấn thân vì đất nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thì phải giáo dục từ bé. Muốn đấu tranh với các tệ nạn xã hội, vấn nạn văn hóa, những mặt trái của kinh tế thị trường thì phải đầu tư cho văn hóa. Nếu không có những tác phẩm văn học nghệ thuật tầm vóc, thiếu những thước phim lịch sử đúng tầm thì không thể truyền lửa khát vọng phát triển cho thế hệ trẻ. Do đó, cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ, coi giáo dục con người, đạo đức là nhiệm vụ hệ trọng; đặc biệt là giáo dục về nhân cách, lối sống, đạo đức, tư duy dám nghĩ, dám làm cho thế hệ trẻ, ngay từ tuổi nhi đồng để các cháu biết yêu thương con người, yêu đất nước và biết vì sự phát triển của xã hội.

Từ nhiệm kỳ này, chúng ta nhất định phải đầu tư đồng bộ kinh tế - xã hội - văn hóa. Không chỉ ở các chính sách của Chính phủ, trên nghị trường họp Quốc hội cũng phải dành thời gian bàn sâu về vấn đề này.

Lê Bình ghi