Phải củng cố niềm tin trong nhân dân!

Minh Châu thực hiện 26/10/2022 05:33

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư rằng thời gian tới, khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, các chuyên gia lưu ý, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải củng cố niềm tin trong nhân dân!

TS. PHÙNG ĐỨC TÙNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong:
Thể hiện rõ cam kết bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính

Phải củng cố niềm tin trong nhân dân!

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao trên toàn cầu..., nền kinh tế nước ta vẫn đạt được nhiều gam màu sáng.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Mặc dù vậy, thách thức phía trước vẫn rất lớn, trong đó, vấn đề lớn nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ. Bởi lẽ, việc nâng lãi suất, hạn chế cung tiền do mục tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 14% đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay hiện quá cao, trên dưới 13%, khiến doanh nghiệp càng thêm khó.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, Quốc hội và Chính phủ nên chấp nhận lạm phát có thể vượt lên 5 - 6% trong năm nay, thay vì kiên trì mục tiêu 4%. Cùng với đó, các biện pháp nên linh hoạt, trong đó có tỷ giá. Chính sách cần điều chỉnh dần thay vì gấp gáp như việc siết trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Hiện, mặc dù lãi suất đã tăng lên song tiền gửi vào ngân hàng vẫn thấp. Kênh cấp vốn quan trọng hiện nay vẫn phải là trái phiếu doanh nghiệp. Muốn vậy, cần đánh giá, rà soát lại tổng thể việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, bảo đảm các doanh nghiệp thực sự tốt được phát hành để huy động vốn, doanh nghiệp có vấn đề phải được kiểm soát đặc biệt.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã vướng vòng lao lý, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Và bởi thế, quan trọng nhất lúc này là phải củng cố được niềm tin này. Muốn vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh truyền thông, thể hiện rõ cam kết sẽ bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Khi có niềm tin, chúng ta mới tạo dựng được sự phát triển bền vững!

TS. LÊ QUỐC PHƯƠNG, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại:
Dứt khoát phải giữ ổn định vĩ mô

Phải củng cố niềm tin trong nhân dân!

Tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu của năm 2021, 9 tháng năm nay, dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD.

Tuy vậy, chắc chắn rằng thời gian tới sẽ rất khó khăn cho nền kinh tế nói chung, trong đó có hoạt động xuất khẩu. Nguyên nhân bởi các thị trường lớn của Việt Nam như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản... đều đã suy giảm tăng trưởng, kéo theo nhu cầu nhập hàng hóa ít nhiều bị ảnh hưởng, dễ thấy nhất là các ngành dệt may, da giày. Thêm nữa, giá cả thế giới đang ở mức tương đối cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đầu vào của doanh nghiệp...

Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam vẫn có những cửa sáng để thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng chung. Trước những thách thức lớn cả ở trong nước và quốc tế diễn biến khó lường, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là Chính phủ phải bảo đảm ổn định vĩ mô. Đây là nền tảng cho tăng trưởng!

Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách thể chế để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó doanh nghiệp mới phát triển. Các chính sách hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2% cần được đẩy mạnh hơn, nhanh hơn; đồng thời phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu, còn cần thêm các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước để giúp họ nhanh chóng tận dụng được các cơ hội từ các FTA, thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Những giải pháp này chúng ta đã làm song cần tiếp tục thực hiện với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhất!

TS. NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội:
Cải cách cơ bản công tác quản lý thị trường lao động

Phải củng cố niềm tin trong nhân dân!

Thị trường lao động đã dần hồi phục sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19. Số lao động có việc làm quý III là 50,8 triệu người, tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 1,7% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, hiện còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 26%, trong khi với mức tăng trưởng GDP tương ứng thì tỷ lệ này phải đạt tới 50%. Năng suất lao động xã hội vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Chúng ta cũng đang thiếu trầm trọng lao động được giáo dục nghề nghiệp. Mỗi năm, chỉ có khoảng 3% học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn học các trường nghề.

Thị trường lao động hiện nay đã có những thay đổi nhờ cú hích của Cách mạng 4.0 xuất hiện hình thức việc làm mới, như việc làm tuần hoàn, việc làm ban đêm, việc làm bán thời gian… Và bây giờ là cơ hội tốt để cải cách cơ bản công tác quản lý về thị trường lao động. Muốn vậy, phải nhìn nhận được giải pháp cụ thể, đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường lao động. Quốc hội cần thảo luận để làm rõ các giải pháp này.

Tôi cho rằng, trước tiên, cần đánh giá lại các chính sách hỗ trợ để trên cơ sở đó rút kinh nghiệm xây dựng chính sách mới nhằm đối phó với các cú sốc. Muốn chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà trường - doanh nghiệp - người lao động. Có những kỹ năng, phẩm chất như ý thức tuân thủ phải đào tạo từ rất sớm, ngay từ cấp 1, cấp 2. Việc đào tạo nghề cần bảo đảm phân luồng, có tính kết nối giữa các cấp, các trường. Chẳng hạn, nếu hết năm thứ nhất, người ta không muốn học ngành đó mà muốn chuyển ngành khác thì phải được tạo thuận lợi, tức học phải gắn với nhu cầu người học và gắn với nhu cầu thị trường.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phải củng cố niềm tin trong nhân dân!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO