Phải cụ thể hóa được nguyên tắc dân chủ, tiến bộ về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp mới

Hoàng Ngọc 04/04/2014 08:26

Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật lần này là phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định dân chủ, tiến bộ của Hiến pháp mới về Tòa án nhân dân.

Nguyên tắc dân chủ, tiến bộ về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp mới là cơ sở để xây dựng Tòa án thực sự là chỗ dựa cho nhân dân về công lý

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành được QH ban hành từ ngày 1.10.2002, quy định về tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, điều chỉnh các vấn đề về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và thẩm quyền của Tòa án nhân dân, về chế định Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân. Sau hơn 10 năm thi hành Luật, hệ thống Tòa án nhân dân đã từng bước được kiện toàn, phát triển. Đội ngũ thẩm phán, hội thẩm, cán bộ, công chức ngành Tòa án ngày càng được củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng... Tuy nhiên, theo đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao thì thực tiễn thi hành Luật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: tổ chức và hoạt động chưa theo kịp sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội; vẫn còn sự chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp Tòa án... Ví dụ, Tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức ở cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm còn các Tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp – hoặc vừa phúc thẩm vừa giám đốc thẩm như của Tòa án nhân dân tối cao; hoặc vừa sơ thẩm, phúc thẩm vừa giám đốc thẩm, tái thẩm như ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ địa vị pháp lý của Tòa án nhân dân tối cao dẫn đến hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức như một bộ, ngành chứ chưa phải là một thiết chế, một hệ thống cơ quan thực hiện một trong ba nhánh quyền lực nhà nước, quyền tư pháp.

Hiến pháp mới QH vừa thông qua ngày 28.11.2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014 quy định: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp... Các nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân cũng được ghi rõ trong Hiến pháp mới như: việc xét xử sở thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Tòa án nhân dân xét xử công khai. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm... 

Cho ý kiến về dự án Luật tại Phiên họp thứ Hai mươi sáu của UBTVQH, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ Hiến pháp mới đã khẳng định những nguyên tắc rất dân chủ, tiến bộ về Tòa án nhân dân. Những nguyên tắc này chính là nền tảng pháp lý để sửa đổi Luật Tòa án nhân dân hiện hành, khắc phục được những bất cập, tồn tại hiện nay và làm cho Tòa án nhân dân thực sự trở thành chỗ dựa cho nhân dân về công lý, góp phần xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã đề ra. 

Tổ chức Tòa án 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính là hướng đi đúng đắn...

Dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo về cơ bản đã được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo và yêu cầu nêu trên. Tuy nhiên, theo đánh giá của các thành viên UBTVQH tại Phiên họp thứ Hai mươi sáu vừa qua và ý kiến của các thành viên Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, thì dự thảo Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được rà soát lại. 

Liên quan đến tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị, để vừa thể hiện bản chất nhân dân của Tòa án nước ta vừa bảo đảm sự thể hiện thống nhất trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), trong lần sửa đổi này cần quy định các Tòa án được tổ chức trong một hệ thống thống nhất gồm các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự. Trong đó, các Tòa án nhân dân được tổ chức gồm 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Theo đó, hệ thống Tòa án sẽ gồm: Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân cấp cao; và Tòa án nhân dân tối cao. Với việc tổ chức các Tòa án nhân dân theo hướng này là phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đó là tổ chức theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập xét xử... góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án hiện nay. Theo cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật thì đây cũng là phương thức để nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền.

Nhất trí với quan điểm tổ chức Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính là hướng đi đúng đắn, song điều khiến một số thành viên Ủy ban Tư pháp băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm là: việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực hay giữ nguyên Tòa án nhân dân cấp huyện như hiện nay để bảo đảm thuận lợi cho người dân trong việc liên hệ, yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ án cụ thể. Và việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực như cách thể hiện trong dự thảo Luật có thực sự bảo đảm được tính độc lập xét xử, bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động của Tòa án nhân dân hay không? 

Tại phiên họp thẩm tra dự án Luật, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phạm Xuân Thường cho rằng, quan điểm thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực góp phần bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập là chưa thật chính xác. Vì Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay cũng được tổ chức và hoạt động trên nguyên tắc xét xử độc lập, không có bất kỳ hình thức can thiệp của bất cứ đơn vị nào vào hoạt động xét xử của Tòa án. Trong khi đó, việc ghép đơn thuần 2-3 Tòa án huyện thành một Tòa án sơ thẩm khu vực lại có nguy cơ làm phình tổ chức bộ máy. Bởi lẽ, khi Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được thành lập, cán bộ của các Tòa án huyện sẽ được tập trung về một địa bàn mới nhưng không có nghĩa là không cần bố trí cán bộ ở các địa bàn cũ để giải quyết công việc cho người dân. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc kỹ vì việc xây dựng cơ sở vật chất, địa điểm mới, sáp nhập các Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án sơ thẩm khu vực cũng có thể sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước mà chưa chắc đã bảo đảm tính hiệu quả, gần dân và thuận lợi cho người dân khi cần liên hệ với tòa án như Tòa án nhân dân huyện. 

Cùng băn khoăn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba phân tích, việc tổ chức của Tòa án nhân dân phải bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử đã được Hiến pháp ghi nhận. Song, trong thực tiễn tổ chức Tòa án nhân dân hiện nay còn một số vấn đề chưa thật sự bảo đảm được tính độc lập của Tòa án nhân dân. Ví dụ, việc tổ chức Tòa án nhân dân huyện theo đơn vị hành chính, nếu giữ nguyên mô hình này sẽ không bảo đảm phù hợp với yêu cầu tổ chức Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử nêu trong Nghị quyết 49. Tuy nhiên, việc sáp nhập 2 hay 3 Tòa án nhân dân cấp huyện vào 1 khu vực để thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực cũng đang đặt ra những vấn đề cần phải cân nhắc, nhất là việc giải quyết kịp thời các công việc liên quan đến Tòa án của người dân vì người dân sẽ phải đi xa hơn, vất vả hơn khi có việc cần liên hệ với Tòa án. Thực tế này, theo Phó trưởng ban Lê Thị Thu Ba, cũng đòi hỏi dự thảo Luật phải tính toán để có phương án phù hợp, bảo đảm tính khả thi hơn. 

Ở góc độ khác, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Độ lại cho rằng, để đánh giá một Tòa án nhân dân có gần dân hay không thì phải căn cứ vào cách thức tổ chức và hoạt động của Tòa án đó chứ không phải chỉ dựa vào việc tổ chức Tòa án nhân dân ở cấp huyện hay liên huyện. Thực tế, ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, số lượng án sơ thẩm khá cao và có đến 35% án dân sự do cấp tỉnh xét xử. Vậy thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có gần dân không? Rõ ràng, xét về khoảng cách địa lý thì Tòa án nhân dân tỉnh còn xa dân hơn nhiều so với Tòa án nhân dân huyện. Phó chánh án Trần Văn Độ đề nghị, vấn đề quan trọng là dự thảo Luật lần này phải tạo điều kiện cho các Tòa án nhân dân đến với người dân nhanh hơn, kịp thời hơn bằng cách đưa ra các quy định yêu cầu Tòa án nhân dân thực hiện việc xét xử lưu động, tổ chức các đơn vị lưu động để giải quyết công việc cho người dân, thay vì để người dân phải lặn lội đường sá xa xôi tìm đến với Tòa án nhân dân. Để làm được việc này, tất nhiên, Tòa án nhân dân cần phải có đầy đủ phương tiện, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực... 

Tán thành với quy định tổ chức Tòa án 4 cấp theo thẩm quyền xét xử như dự thảo, nhưng Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đặng Công Lý lưu ý, nếu thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thì cần phải bảo đảm tính gọn nhẹ, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của từng khu vực. Vì trên thực tế, không phải khu vực nào cũng có số lượng án và tính chất vụ án như nhau, sẽ có những nơi có nhiều và những nơi có ít vụ án. Đối với những huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, thì có thể, cần nghiên cứu việc giữ nguyên Tòa án nhân dân cấp huyện như hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có việc cần đến Tòa án. 

Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ được thành lập trên phạm vi cả nước hay căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa bàn sẽ có nơi tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và sẽ có nơi tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện có lẽ là một trong những nội dung cần cân nhắc, tính toán để đi đến thống nhất trước khi dự án Luật được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới. 

Và mục đích lớn nhất của việc tổ chức Tòa án nhân dân phải là: bảo đảm Tòa án nhân dân thực sự là chỗ dựa cho dân về công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Kịp thời xử lý nhanh chóng, hiệu quả các công việc của người dân, bảo vệ công lý cho nhân dân là nền tảng của một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phải cụ thể hóa được nguyên tắc dân chủ, tiến bộ về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO